Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ sáu, 26/10/2018

Làm thế nào xử lý hiệu quả các “website lậu”?

 

Tình trạng các website lậu, phát những nội dung vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề nóng trong thời điểm chi phí bản quyền nội dung ngày càng leo thang và đắt đỏ. Đơn cử  như trong bản quyền phát trong giải bóng đá World Cup vừa qua, chỉ trong 3 ngày từ khi khai mạc World Cup 2018, Đài truyền hình Việt Nam VTV đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng giải đấu này trên Internet và đã xử lý hơn 300 trường hợp.

Chỉ riêng vài phút đầu tiên khi bắt đầu trận đấu khai mạc, đơn vị của VTV đã phát hiện và đánh chặn hơn 100 trang web và mạng xã hội vi phạm bản quyền phát sóng. Nhiều tài khoản Facebook đã chia sẻ toàn bộ trận đấu, cả chương trình bình luận trước, trong và sau trận đấu.

Chỉ sau khoảng 2-3 phút, các vi phạm này đã bị chặn lại. Thế nhưng, các trang web liên tục đổi địa chỉ IP để chia sẻ tín hiệu lậu.

Trước đó, Đài truyền hình Việt Nam đã có công văn nhờ Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc xử lý mạnh tay với những vi phạm bản quyền World Cup. Theo công văn, tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam được đánh giá là rất nghiêm trọng. Nhiều website vẫn livestream, đăng tải clip vi phạm bản quyền; tình trạng livestream các trận đấu cũng diễn ra tràn lan trên Facebook và Youtube.

Thực tế cho thấy, dù cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý nhưng tình trạng vi hạm bản quyền truyền hình trên internet vẫn phổ biến.

Theo bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Trưởng phòng Phát thanh – Truyền hình (Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT), đối với các website sử dụng hosting của DN OTT trong nước có vi phạm, cơ quan chức năng sẽ thu hồi những trang có tên miền .vn, yêu cầu DN OTT dừng hosting đối với các web vi phạm.

Đối với website sử dụng tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, biện pháp xử lý là đề nghị DN viễn thông chặn truy cập, dừng quảng cáo tự động.

Đơn cử trong thời gian qua, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã nhận được khiếu nại của Đài VTC liên quan việc vi phạm bản quyền giải Asiad trên các trang web hay mạng xã hội. Cơ quan chức năng đã chặn 18 website phổ biến có vi phạm. Trong số này có trang Xoilac vốn được nhiều người biết đến khi chia sẻ nhiều trận đấu của U23 Việt Nam ở giải này.

“Để xử lý hiệu quả hơn, các doanh nghiệp phải có giải pháp bảo vệ được bản quyền của chính mình để giữ khách hàng. Thói quen hiện nay là thích truy cập các trang điện tử, mạng xã hội miễn phí thay vì vào các nền tảng của DN có bản quyền”, bà Hằng cho biết.

Bà đề xuất, các DN truyền hình trả tiền cần có sự phối hợp xây dựng cơ chế với cơ quan quản lý nhà nước. DN khi khiếu nại nên cung cấp bằng chứng chứng minh mình sở hữu bản quyền, bằng chứng vi phạm để xử lý hiệu quả.

Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ nên thiết lập địa chỉ tra cứu thông tin sở hữu bản quyền để bất kỳ đối tượng nào cũng tra cứu được, tránh tình trạng vi phạm bản quyền vô thức.

Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Nguyễn Thanh Lâm cũng từng khẳng định Bộ TT&TT đã giao Cục PTTH&TTĐT cùng các đơn vị của Bộ: Một trong những trọng tâm công tác năm nay là đấu tranh phòng chống vi phạm bản quyền.

Vi phạm bản quyền truyền hình nói chung và bản quyền của VTV nói riêng cũng diễn ra ở khu vực báo điện tử, do thiếu hiểu biết, cứ dẫn thử để tăng view. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý, xử phạt hành chính.

Về vấn đề vi phạm bản quyền trên hạ tầng mạng Internet, thường có hai giải pháp ngăn chặn là chặn dòng tiền quảng cáo, và xử phạt vi phạm hành chính.

"Một giải pháp nữa nằm trong thẩm quyền của Bộ là chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chặn hosting, chặn server của website vi phạm bản quyền. Cơ sở pháp lý đã đầy đủ. Cục Viễn thông đã mời các nhà mạng đến làm việc và yêu cầu triển khai mạnh giải pháp này", Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

abei.gov.vn