Thứ sáu, 03/01/2025 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/01/2025 Thông tin điện tử

Thứ ba, 09/04/2024

Livestream trên TikTok có dấu hiệu lừa đảo

Trong năm 2024, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục mở rộng danh sách White List, khoảng 12.0000 - 15.000 kênh nội dung, tài khoản, website, cơ quan báo chí, mạng xã hội... Từ đó đảm bảo môi trường quảng cáo lành mạnh cho các thương hiệu của Việt Nam.

Có livestream xấu độc trên TikTok là nội dung lừa đảo

Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT chiều ngày 8/4, trả lời câu hỏi về tình trạng livestream trên TikTok kêu gọi người dùng chuyển sang ứng dụng xấu độc và được đẩy vào mục xu hướng, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT cho biết, sau khi nhận thông tin, Cục đã phối hợp và yêu cầu TikTok rà soát, báo cáo lại.

Theo phản hồi của TikTok, hệ thống này đã rà quét và phát hiện nội dung livestream có hình ảnh mập mờ, đường link dẫn đến những ứng dụng khác như Telegram, Zalo, sau đó dẫn đến các bước để mời người dùng chơi game và chuyển tiền. Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo.

Về câu hỏi livestream trên TikTok có mời gọi hay không, Cục PTTH&TTĐT nhận thấy người sử dụng được mời chào tham gia vào các tài khoản, đường link cung cấp thông tin theo kiểu mập mờ, có xu hướng xấu và khi vào các đường link này, nội dung hiện lên là các thông tin lừa đảo.

“Hiện, Bộ TT&TT đang phối hợp và yêu cầu TikTok cung cấp các thông tin, dữ liệu liên quan để chuyển cho Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền”, bà Huyền cho biết thêm.

Cũng theo bà Huyền, trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã yêu cầu nền tảng TikTok thực hiện rà quét và triển khai các giải pháp để xây dựng không gian mạng an toàn, tích cực phòng chống tin giả, thông tin lừa đảo, thông tin sai lệch trên nền tảng này. Đồng thời, thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các cái nội dung này cũng như quản lý chặt chẽ quảng cáo trên nền tảng TikTok.

TikTok đã cam kết tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và đang tích cực triển khai thực hiện các yêu cầu của Bộ TT&TT sau đợt kiểm tra toàn diện năm 2023.

Đối với việc quản lý nội dung, đặc biệt là nội dung livestream, TikTok đã cam kết bổ sung các chính sách quản lý như sau: Đầu tiên, để livestream, người dùng cần đáp ứng các tiêu chí gồm: ít nhất 18 tuổi, tài khoản được tạo ít nhất qua 7 ngày, đạt kiểm tra nội bộ BRIC (Business Risk Integrated Control) và có ít nhất 500 người theo dõi. Tiếp theo, TikTok sẽ xoá mọi nội dung vi phạm, thậm chí xoá tài khoản tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm.

Người dùng cũng có thể báo cáo các nội dung livestream hoặc là người xem trực tuyến có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Khi phát hiện bất kỳ hành vi hoặc là phát ngôn nào vi phạm thì TikTok sẽ làm gián đoạn các livestream này. Ngoài ra, các tài khoản người dùng có liên quan đến các vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm tạm thời, cấm vĩnh viễn khỏi các chương trình, các nội dung phát trực tuyến.

“Bộ TT&TT mong muốn cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dùng được biết, chủ động báo cáo nội dung vi phạm, cùng chung tay làm sạch không gian mạng. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục giám sát TikTok thực hiện các nội dung đã cam kết, rà quét và chủ động có các biện pháp xử lý, đối với các vi phạm tương tự”, bà Huyền nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Trong năm 2024, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục mở rộng danh sách White List, đảm bảo môi trường quảng cáo lành mạnh cho các thương hiệu của Việt Nam.

Đã yêu cầu nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm

Đại diện Cục PTTT&TTĐT cho biết, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo an toàn, lành mạnh. Các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng Bộ TT&TT để phát hiện cũng như là truyền thông để thực hiện các cái giải pháp này.

Năm 2023, Bộ TT&TT đã và đang triển khai các giải pháp. Đầu tiên, tiếp tục mở rộng White List theo lộ trình và đề nghị các đại lý quảng cáo, nhãn hàng lựa chọn quảng cáo trên White List do Bộ TT&TT công bố và không đặt quảng cáo vào các danh sách Black List. Bộ TT&TT khuyến khích vai trò của các công ty quảng cáo đa kênh (MCN) và mạng lưới quảng cáo (Adnetwork), công ty và các tổ chức quản lý đại diện cho các nghệ sĩ hoạt động, người nổi tiếng, đại lý quảng cáo trong nước tổng hợp nhu cầu đăng ký tham gia vào White List.

“Đến thời điểm hiện nay, White List đã xây dựng từ khoảng 7.000 các trang, các website, các báo điện tử, các trang kênh nội dung đã được xác thực. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp các đại lý quảng cáo để mở rộng White List”, bà Huyền cho biết thêm.

Ngoài ra, song song với việc dựng White List, Bộ TT&TT đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ trong nước có hợp tác với các DN xuyên biên giới.

Bộ cũng đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok phải gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, các nội dung quảng cáo vi phạm các quy định về quảng cáo. Trong năm 2023 Bộ cũng đã yêu cầu gỡ 117 trang quảng cáo, 44 nhóm (group) quảng cáo bất hợp pháp, gỡ bỏ hơn hơn 2.000 quảng cáo về thuốc thực phẩm chức năng, đã cung cấp cho báo chí nhiều lần.

Bộ TT&TT cũng thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cảnh báo, răn đe trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung, trong đó có điều chỉnh, bổ sung quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng, đảm bảo công bằng trong hoạt động quảng cáo trong nước và nước ngoài.

Hiện, nội dung của dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi bổ sung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng trên website của Bộ cũng như cổng thông tin Chính phủ để lấy ý kiến người dân.

Trong năm 2024, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nêu trên, trong đó sẽ tiếp tục mở rộng các White List. Các đại lý quảng cáo lớn đã cam kết với Bộ TT&TT để mở rộng White List, khoảng 12.0000 - 15.000 kênh nội dung, tài khoản, website, cơ quan báo chí, mạng xã hội… đủ lớn để nhãn hàng lựa chọn.

Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ phối hợp, làm việc cả các DN cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cùng xây dựng White List này, để đảm bảo một môi trường quảng cáo lành mạnh cho các thương hiệu của Việt Nam./.

Nguồn https://ictvietnam.vn/livestream-tren-tiktok-co-dau-hieu-lua-dao-64134.html