Để ngăn chặn tin độc, tin xấu tràn lan, cũng như để người dùng internet không bị những thông tin xuyên tác chi phối, yếu tố con người vẫn mang tính chất quyết định.
Việt Nam đang chủ động phát triển công nghệ thông tin trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Con số 50% người Việt sử dụng internet là điều đáng mừng, góp phần tác động lớn đến phát triển khoa học công nghệ, tiếp nhận tri thức thông tin ngày càng đa dạng. Mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận thông tin hữu ích.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Xuân Minh cho biết tại Tọa đàm “Giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội hiện nay” do Báo điện tử Tổ Quốc tổ chức sáng 26/08, một bộ phận lớp trẻ chưa nhận thức đầy đủ với hành vi tham gia trên mạng internet, một bộ phận chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật, về môi trường mạng. Môi trường mạng không ảo, nếu tham gia mà không đủ thông tin, kiến thức sẽ không bảo vệ được bản thân. Bản thân bị đầu độc thông tin, bị lợi dụng, tham gia vào hệ thống mạng có khả năng gây ra các hành vi vi phạm pháp luật. Một trong những việc cần làm là tăng cường thông tin, đặc biệt là người trẻ để tự điều chỉnh hành vi của mình khi tham gia hoạt động trên mạng internet.
Thách thức không nhỏ là riêng mạng xã hội facebook Việt Nam có khoảng 40 triệu tài khoản. Mỗi ngày trên thế giới xuất hiện khoảng 500 triệu bài viết, riêng tại Việt Nam con số này cũng lên tới vài chục triệu. Thông tin và sức lan truyền rất lớn nhưng nhiều người dùng không phân biệt được đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu.
Thực tế, các nước trên thế giới đều phải đối mặt với việc bị tấn công bằng thông tin độc hại trên internet, kể cả các nước phát triển như Mỹ, Nga, Đức… nhưng ở các quy mô, hình thức khác nhau.
Trong thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) luôn có trao đổi, phối hợp Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông). Vừa qua, Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã khởi đầu rất hiệu quả bằng việc yêu cầu Google gỡ hơn 1.200 đoạn clip có nội dung xấu, hơn 100 tài khoản có nội dung xấu. Thượng tá Lê Xuân Minh khẳng định , chắc chắn trong thời gian tới, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý về internet thì việc đấu tranh với thông tin xấu, độc hại trên internet, mạng xã hội sẽ càng hiệu quả hơn.
Để có giải pháp ngăn chặn, các chuyên gia an ninh bảo mật và mạng Internet cho rằng về mặt kỹ thuật có thể giúp ngăn chặn phần nào tình trạng này thông qua công nghệ phát hiện sớm, hay còn gọi là công nghệ lắng nghe mạng xã hội, giúp các cơ quan chức năng phát hiện thông tin theo từ khóa, để khoanh vùng đối tượng phát tán.
Tuy nhiên, để ngăn chặn tin độc, tin xấu tràn lan, cũng như để người dùng internet không bị những thông tin xuyên tác chi phối, yếu tố con người vẫn mang tính chất quyết định. Theo đó, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng, từ đó có được “bộ lọc” tốt. Khi đã có được “bộ lọc”, người dùng internet sẽ tự nhận định được bản chất của sự việc, qua đó có ý thức hơn trong việc bấm nút like, share hay thực hiện một comment trên mạng xã hội.