Thứ hai, 29/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 29/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ hai, 10/12/2018

Người dùng mạng xã hội cần đề phòng gì trước nạn tin giả?

Số lượng người dùng mạng xã hội ngày càng gia tăng. Trong khi đó, tin giả được chia sẻ nhiều nhất và dễ nhất cũng là qua mạng xã hội. Vậy, người dùng mạng xã hội cần làm gì để đề phòng tin giả?

Một nghiên cứu của American Press Institute cho biết người đọc ngoài việc chỉ khư khư bám vô nội dung tin tức họ lại thường tin tưởng vào người chia sẻ (đặc biệt là người có sức ảnh hưởng KOLs) hơn cả nguồn tin. Do vậy, trước tiên chúng ta hãy tự rà soát lại xem những người chúng ta kết bạn, những fanpage chúng ta đang “theo dõi” (follow) là những hotgirl, hotboy khoe thân hay những nhà khoa học, những chuyên gia uy tín.

Đặc biệt, nhiều trang fanpage thông qua việc đưa ra những ứng dụng “nhảm” nhưng kích thích tính tò mò như “Ai đang thầm thương trộm nhớ bạn?”, “Kiếp trước bạn là ai?”, “Tên tiếng Lào của bạn”... sẽ khai thác thông tin cá nhân của người dùng và “gài” họ vào danh sách thích hoặc theo dõi những trang này. Sau khi đạt được lượng “like” đủ lớn (mà người ta gọi là “nuôi fanpage”), chủ sở hữu trang có thể bán lại với giá hời cho một công ty marketing nào đó đang cần có nhanh một danh sách khách hàng tiềm năng.

Thói quen sử dụng phần mềm “bẻ khóa”, vượt tường lửa... cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dùng bị dính phải những phần mềm gián điệp, virus... luôn dẫn tới những trang web có nội dung đồi trụy và những trang tin có nội dung giả mạo.

Do vậy, không thể đổ lỗi hết cho mạng xã hội khi chính những nhu cầu, sở thích và lòng tham của chính chúng ta đã tạo điều kiện dung dưỡng và lan truyền những tin tức xấu.

Cách ứng phó trong trường hợp doanh nghiệp bị tấn công bằng tin vịt

Với người dùng mạng, nếu thận trọng và quan tâm đến những nội dung đã đề cập ở trên thì khả năng tin vịt ảnh hưởng sẽ giảm đi rất nhiều. Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp trong trường hợp rủi ro bị tấn công hoặc bôi nhọ bằng tin vịt, công tác xử lý khủng hoảng truyền thông cần được triển khai với những gợi ý sau:

Khoanh vùng thật và giả

Doanh nghiệp hãy tỉ mỉ “highlight” những thông tin giả, phần bị xuyên tạc và bôi nhọ trong những bài viết, sau đó đưa kèm những thông tin chính xác, đối chiếu song song thật giả cho người đọc dễ dàng so sánh và kiểm chứng.

Viết lại sự thật một cách ấn tượng

Thông thường sau khi bị dính tin vịt, các doanh nghiệp thường có thông cáo báo chí hoặc bài đính chính. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế rằng, các bài đính chính của doanh nghiệp thường khô khan, kém hấp dẫn nên không gây được hiệu quả bởi lẽ “tin dữ thường đi mau, tin tốt thì theo sau”. Do vậy, những bài viết “chữa cháy” cũng phải có lối viết “hot” và hấp dẫn như những tin vịt thì mới đủ sức dập tắt ngọn lửa đang lan tràn.

 

Sử dụng người có sức ảnh hưởng thay vì tự giải thích

Như đã trình bày ở trên, nếu như tin vịt lan nhanh do chia sẻ thì tin đính chính cũng sẽ được dập tắt bởi những người chia sẻ có tầm ảnh hưởng cộng đồng trong lĩnh vực của họ (KOLs). Do vậy, cách hiệu quả nhất là hãy sử dụng KOLs làm lính cứu hỏa, sức lan tỏa sẽ nhanh và đảm bảo tính khách quan hơn là doanh nghiệp tự mình đính chính.

Im lặng đôi khi là giải pháp

Nếu nhận định rằng tin vịt chỉ là một ý kiến cá nhân không gây tác hại nghiêm trọng, doanh nghiệp có thể lựa chọn sự im lặng. Tuy nhiên, trong trường hợp này im lặng không có nghĩa là không có phản ứng. Công tác truyền thông nội bộ sẽ phải giải thích lý do im lặng đến nhân viên, cổ đông hoặc những người có thể liên đới lợi ích. Song song đó vẫn lên kế hoạch truyền thông, sẵn sàng đối phó khi tin vịt bùng phát như trong gợi ý từ 1-3.

Đừng đợi đến khi dính tin giả rồi mới làm truyền thông

Thật ra trong thời đại ngày nay, việc dính phải tin vịt là một trong những rủi ro rất dễ xảy ra. Do vậy, trước khi để nó xảy đến, các doanh nghiệp cần chủ động quan tâm công tác truyền thông xây dựng thương hiệu, triển khai các chương trình trách nhiệm xã hội (CSR) và truyền thông nội bộ (Internal PR) để tạo sẵn cho mình một cộng đồng “người hâm mộ” luôn đứng về doanh nghiệp trong những trường hợp xảy ra khủng hoảng. Họ sẽ là những người lính tự nguyện “tiêu diệt” những kẻ tung tin xấu và giải vây doanh nghiệp trong những tình huống nguy cấp.

Trong công tác quản trị và phát triển kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc áp dụng chuẩn mực đạo đức kinh doanh, sự tuân thủ về môi trường và chính sách lao động. Những hành vi bất chính vô ý hoặc chủ ý đều sẽ là kẽ hở để những “tổ kiến” tin vịt làm vỡ “đoạn tường thành dài” trong quá trình phát triển doanh nghiệp.

Do vậy, có thể nói sống chung với mạng xã hội là một thực tế không thể tránh khỏi và doanh nghiệp cần biết khai thác nó như một kênh truyền thông và quảng bá hiệu quả. Chính bản thân người dùng và doanh nghiệp cần sự tỉnh táo trong việc nhận tin và phát tán tin. Trong một môi trường đầy rẫy tin rác, rồi sẽ đến lúc người dùng khát khao những tin sạch như hiện trạng an toàn thực phẩm hiện nay. Do vậy ngoài việc lựa chọn mô hình kinh doanh “sạch”, doanh nghiệp cũng cần tỉnh cáo lựa chọn mô hình phát tán truyền thông sạch để có sự phát triển bền vững trong tương lai.