Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ hai, 10/12/2018

Nhiều nước châu Á ưu tiên phát triển ngành công nghiệp nội dung số

Hiện nay, 100% các nước thành viên ASEAN đều đã số hóa nội dung bản địa. 87% các nước đều có tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm riêng về phát triển và hỗ trợ nội dung số bản địa. 67% các nước áp dụng các tiêu chuẩn sáng tạo nội dung số. 80% các nước ASEAN đã thực hiện những sáng kiến nội dung số bản địa.

Theo Liên minh viễn thông thế giới (ITU), khái niệm nội dung số hiện nay rất rộng lớn, bao gồm tất cả các hình thức text (chữ), đồ họa, hình ảnh, nhạc, video, streamlive và thực tế ảo, thực tế tăng cường và tất cả nội dung này được phân phối bởi tất cả người dùng Internet cũng như các tổ chức, doanh nghiệp.

Nội dung số là tất cả những sản phẩm nội dung được phân phối kỹ thuật số. Đó là âm nhạc, thông tin, hình ảnh, video … được tải hoặc phân phối trên các phương tiện điện tử. Còn nội dung số bản địa có thể được chia thành 3 loại, gồm nội dung do chính phủ phân phối, nội dung thương mại và nội dung do người dùng tạo ra.

Theo kinh nghiệm phát triển nội dung số của Hàn Quốc, Hàn Quốc xác định công nghiệp nội dung số là 1 trong 9 động cơ phát triển lớn của đất nước. Một ví dụ về phát triển nội dung số của Hàn Quốc là K-pop. K-pop là một “câu chuyện phát triển nội dung số thành công” của Hàn Quốc, trong đó công nghệ tiên tiến, nhân lực, sở hữu trí tuệ và mục tiêu kinh tế đã được kết hợp chiến lược để K-pop trở thành một nội dung âm nhạc bản địa và lan rộng ra toàn quốc. Chính phủ Hàn Quốc đặt ra những cam kết cao nhất trong việc ứng dụng công nghệ mới nhất trong mạng lưới kết nối, ứng dụng 5G và băng rộng tốc độ cao, cho phép nền văn hóa nhạc K-Pop phát triển, bùng nổ và trở thành xu hướng trên thế giới.

Nội dung số cũng được xác định “ưu tiên phát triển” tại Trung Quốc. Về mặt chính sách, ngành công nghiệp nội dung số được hưởng nhiều ưu tiên, trong đó nguồn thông tin số là chìa khóa để Trung Quốc phát triển một quốc gia sáng tạo, duy trì được sự tăng trưởng bền vững và cạnh tranh. Công nghiệp nội dung số được xem là nhân tố chính trong “Chiến lược phát triển thông tin quốc gia 2006-2020” của Trung Quốc.

Tại Malaysia, Tổ chức kinh tế số Malaysia (MDCE) là đơn vị phát triển “one-stop”, chuyên trách nuôi dưỡng và phát triển ngành công nghiệp nội dung số của Malaysia. MDCE sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính, các quỹ nghiên cứu và phát triển, chính sách ưu đãi; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật; cung cấp về phát triển nhân lực nội dung số….

Nhận thức được tầm quan trọng của nội dung số, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số chính sách về lĩnh vực CNTT trong đó có đề cập đến nội dung số. Thời gian qua, lĩnh vực nội dung số đã có sự phát triển được ghi nhận. Từ mức chỉ đạt 3.000 - 4.000 tỷ đồng cách đây 10 năm, đến nay ngành công nghiệp nội dung số có doanh số chục ngàn tỷ. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực này còn xa mới tương xứng với tiềm năng phát triển. Nhiều nghiên cứu, đánh giá cũng như thực tế đã chỉ ra rằng ngành công nghiệp nội dung số đã phát triển một cách tự phát, thiếu chiến lược rõ ràng, không có sự gắn kết giữa  nghiên cứu, văn hóa, công nghệ và thị trường, chưa có nhiều mô hình kinh doanh tiên tiến phù hợp xu hướng quốc tế.

Trong bối cảnh thiết bị và hạ tầng mạng ngày càng phát triển, dân số trẻ, số người dùng smartphone và số thuê bao 3G, 4G ngày càng tăng, hạ tầng Internet và băng rộng ngày càng phát triển. Đơn cử như riêng về mảng video trực tuyến, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN với 92% người xem video trực tuyến mỗi tuần, sau Việt Nam là Philippine với 85%, Indonesia với 81%. Trong vòng 4 năm, tỷ lệ xem video trực tuyến trên smartphone đã tăng từ 10% lên 64%. Có đến 97% người Việt Nam được phỏng vấn nói rằng họ dùng dịch vụ “video theo yêu cầu” để xem phim, 90% xem các chương trình giải trí, 89% xem tin tức từ các kênh địa phương, 87% xem ca nhạc, 84% xem phim nước ngoài.

Doanh thu quảng cáo di động năm 2017 đạt 78 triệu USD, dự kiến sẽ đạt hơn 200 triệu USD vào năm 2020. Tuy nhiên, Facebook và Google vẫn chiếm hơn 70% thị phần quảng cáo số tại Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào quá trình chuyển dịch số, vai trò của nội dung số ngày càng trở nên quan trọng. Nội dung số là một trong các hình thức thể hiện sinh động tài nguyên số, nguồn tài nguyên thiết yếu để triển khai các hoạt động nghiên cứu sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, sáng tạo và đổi mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số. Điều này dẫn đến nhu cầu đánh giá một cách tổng thể tình hình phát triển ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam để có thể đưa ra được những đề xuất chính sách, biện pháp quản lý và hỗ trợ ngành công nghiệp này trong thời gian tới.