Thứ ba, 30/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ ba, 30/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ tư, 04/10/2023

Siết chặt hoạt động livestream trên mạng xã hội

Livestream trên mạng xã hội đang là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội, Bộ TT-TT đang đề xuất bổ sung quy định để quản lý tính năng này.

Sau vụ "Nam thanh niên ở Bình Dương phát trực tiếp việc treo cổ tự tử" ngày 1.10, dư luận xã hội lo ngại nếu những hình ảnh, video mang tính chất bạo lực, tiêu cực, ghê rợn, phản cảm được livestream lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội sẽ tác động đến tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực tới người sử dụng mạng xã hội.

Bộ TT-TT đề xuất nhiều biện pháp để quản lý hoạt động livestream trên mạng xã hội

 Chỉ mạng xã hội có giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream

Trao đổi với Thanh Niên chiều 3.10, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết hiện nay mạng xã hội xuất hiện tính năng livestream cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực.

"Livestream cung cấp nhiều dịch vụ có liên quan. Bộ TT-TT yêu cầu các nền tảng, mạng xã hội khi nhận được thông tin, hình ảnh tiêu cực, bạo lực phải chặn, gỡ ngay với các trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng yêu cầu các nền tảng, mạng xã hội phải tự rà soát, phát hiện trường hợp tương tự để chặn, gỡ ngay", bà Huyền nói.

Theo Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, hình thức livestream ảnh hưởng nhanh tới xã hội nên khi xây dựng dự thảo nghị định thay thế, sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Bộ TT-TT đề xuất bổ sung quy định quản lý theo hướng: chỉ mạng xã hội có giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT-TT (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ livestream. Hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định các mạng xã hội phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu của Bộ TT-TT; bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng.

Tại dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ TT-TT đề xuất bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung; đề xuất bổ sung quy định yêu cầu mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn, gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ TT-TT còn bổ sung quy định mạng xã hội phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam. 

Theo bà Huyền, cơ quan quản lý sẽ có các giải pháp cũng như yêu cầu sự hợp tác có trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ; đồng thời bổ sung các quy định quản lý của nhà nước, quy định pháp luật. Vai trò của truyền thông cũng rất quan trọng trong việc đưa ra cảnh báo, khuyến cáo đối với người dùng xây dựng thói quen sử dụng mạng xã hội lành mạnh, an toàn. 

Bà Huyền cho hay: "Sau khi lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, hiện nay dự thảo nghị định thay thế, sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP đang tiếp thu ý kiến các bộ, ngành để chuyển Bộ Tư pháp thẩm định. Dự kiến, dự thảo nghị định sẽ trình Chính phủ trong tháng 10".

Tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu, độc ở mức cao

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, từ 1.7 - 31.8, hoạt động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc trên không gian mạng đạt tỷ lệ cao. Trong đó, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 674 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ 90%). Ngoài ra, Facebook đã gỡ bỏ 25 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; 1 group giả mạo; 1 group độc hại với trẻ em.

Google đã gỡ 2.343 video vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 93%); xóa 10 kênh có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước (chứa khoảng 22.500 video).

TikTok đã chặn, gỡ bỏ 64 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 92%). 

Trước đó, tại buổi họp báo tháng 9 của Bộ TT-TT, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, đối với các nền tảng xuyên biên giới, cục tổng hợp các biện pháp nhằm duy trì ở mức cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu, độc.

Từ năm 2017 tới nay, việc hợp tác và tỷ lệ đáp ứng của các nền tảng liên tục được cải thiện. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ đáp ứng cao nhất (hơn 90%), gỡ bỏ nhiều nhất từ trước đến nay. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ, đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là một chủ trương đã được Bộ TT-TT triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Hoạt động này bao gồm việc buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, sai lệch, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Với những video gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ được báo chí phản ánh, cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc rất nhanh để xử lý, kết hợp thủ công và trí tuệ nhân tạo (AI), thuật toán tự động để rà quét, chặn, gỡ nội dung vi phạm.

Nguồn https://thanhnien.vn/siet-chat-hoat-dong-livestream-tren-mang-xa-hoi-185231003183856153.htm