Thứ ba, 30/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ ba, 30/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ tư, 11/10/2023

"Tất cả các nền tảng xuyên biên giới nếu không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì sẽ không được chào đón"

Những động thái quyết liệt từ các cơ quan chức năng và người dùng sẽ giúp sớm xây dựng một không gian mạng an toàn và văn minh.

Tuần qua, các sai phạm của nền tảng mạng xã hội TikTok đã được công bố rộng rãi, thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi đây là một trong những mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh nhất thời điểm này tại nước ta. Người dân và báo chí đều kiến nghị những giải pháp để xử lý triệt để các sai phạm của những nền tảng mạng xã hội, trong đó có TikTok.

Theo kết quả kiểm tra TikTok Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, những sai phạm của TikTok gồm: thông tin vi phạm luật pháp Việt Nam, lan truyền tin giả, bảo mật người dùng... Đáng chú ý nhất là việc nền tảng đã có dấu hiệu không kiểm soát được những thông tin gây hại cho trẻ em. 

Thế nhưng, pháp nhân của TikTok tại Việt Nam lại không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok. Việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam do TikTok Singapore trực tiếp quản lý, vận hành. Điều này đã phần nào gây khó khăn cho cơ quan quản lý Việt Nam.

Đây cũng là khó khăn chung của cơ quan quản lý Việt Nam khi làm việc với các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, Youtube… Cơ quan chức năng đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao để đấu tranh, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, đáp ứng ở mức cao các yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật. Nhưng nhìn từ câu chuyện của các phim ngắn chiếu mạng, có thể thấy, vẫn còn nhiều gian nan. Bản thân các nền tảng mạng xã hội cũng thường xuyên có sự thay đổi, điều chỉnh về chính sách, đòi hỏi các biện pháp quản lý phải linh hoạt để đáp ứng tình hình thực tế.

"Có vẻ mô hình kinh doanh dựa vào nội dung miễn phí, trong đó có lượng lớn nội dung tin giả, tin xấu độc, tin nhảm nhí, không có lợi cho trẻ em để kéo nhiều view, kéo quảng cáo, đang có xu hướng thoái trào do trải nghiệm của người dùng không chấp nhận loại này nữa. Việc tìm kiếm những mô hình doanh thu mới, trong đó có quay sang tìm kiếm doanh thu đến từ người sử dụng dịch vụ là gia tăng. Song song với đấu tranh, xử lý vi phạm nếu có trong câu chuyện quảng cáo các sản phẩm dịch vụ bất hợp pháp trên các nền tảng xuyên biến giới, xuất hiện thêm câu chuyện quản lý việc sử dụng từ góc độ người dùng trả tiền, và chúng ta cũng có trách nhiệm bảo vệ người dùng nữa", ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Khảo sát của tổ chức UNICEF mới đây cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi đã sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. Tần suất sử dụng thiết bị điện tử ngày càng nhiều. Vì vậy, các phụ huynh luôn lo lắng khi con mình phải tiếp xúc vớ môi trường mạng xã hội còn nhiều mặt trái.

Một trong những sai phạm của TikTok tại Việt Nam chính là không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Hệ quả là nhiều trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực từ sớm.

Ít nhất 10 quốc gia đã cấm cài đặt, sử dụng TikTok, dù đây đang là mạng xã hội phát triển nhanh hàng đầu thế giới. Nhiều quốc gia liên tiếp đưa ra những quy định nhằm mạnh tay xử phạt vi phạm và kiểm soát các công ty công nghệ xuyên quốc gia như Google, Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook và các nền tảng trực tuyến lớn khác. 

Tại Việt Nam, sau khi công bố sai phạm của TikTok, cơ quan quản lý đã cho nền tảng này thời hạn 30 ngày để khắc phục sai phạm. Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Khi thành lập pháp nhân tại Việt Nam, công ty đó không phải công ty bình phong, phải chịu trách nhiệm thực sự. Tất cả các nền tảng xuyên biên giới nếu không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì sẽ không được chào đón. Những động thái quyết liệt từ các cơ quan chức năng, cùng với thái độ kiên quyết của người dùng khi tẩy chay các nội dung xấu độc, được kỳ vọng sẽ giúp sớm xây dựng một không gian mạng an toàn và văn minh cho mỗi người.

Nguồn https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/tat-ca-cac-nen-tang-xuyen-bien-gioi-neu-khong-tuan-thu-phap-luat-viet-nam-thi-se-khong-duoc-chao-don-20231011114529084.htm