Tin tức giả mạo tràn làn trên Facebook khiến nhiều doanh nghiệp “điêu đứng”
Roger McNamee, nhà đầu tư giai đoạn đầu ở cả Facebook và Google, cảnh báo tin tức giả mạo sẽ “gây thiệt hại lớn cho xã hội, nền dân chủ và nền kinh tế”. Tuy chưa thể xác định chính xác tác động của những chỉ trích này tới lợi nhuận của Facebook và Google nhưng gã khổng lồ mạng xã hội cho biết họ muốn khắc phục nó.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Mosseri nhấn mạnh: “Nó thật tệ với kinh doanh. Tin tức giả mạo làm suy giảm niềm tin vào nền tảng của chúng tôi, không chỉ với mọi người mà còn là các nhà cung cấp tin và quảng cáo. Chúng tôi là doanh nghiệp dựa vào quảng cáo và điều này thực sự rất, rất đau đớn”.
Câu chuyện này không phải chỉ xảy ra trên thế giới. Thực tế, tại Việt Nam, một số nhãn hàng có thương hiệu toàn cầu như Heineken, Toyota, Honda đã phải điêu đứng vì tình trạng bị mạo danh trên mạng xã hội để câu views, câu like, hay hành vi tung các video có nội dung giả mạo, sai lệch. Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (HVB) đã phải gửi văn bản tới Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đề nghị có biện pháp ngăn chặn một video giả mạo gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và doanh số bán hàng của Heineken Việt Nam.
Heineken Việt Nam cho biết, trên nhiều tài khoản YouTube và Facebook đã lan truyền một video có tiêu đề “Cận cảnh sản xuất bia Heineken giả - Heineken conunterfeit Production” và đoạn mô tả có nội dung “Bia Heineken giả, nước uống đóng chai giả, và còn nhiều loại bia, nước ngọt giả tràn lan trên thị trường”.
Toyota Việt Nam cũng là nạn nhân của tài khoản giả mạo, lan truyền tin tức thất thiệt trên Facebook. Toyota đã phải khuyến cáo người dùng về một Fanpage giả mạo sử dụng tên gọi và các hình ảnh tương tự Fanpage chính thức của hãng để truyền bá thông tin về chương trình tặng 5 xe Camry cho khách hàng nhân dịp 80 năm thành lập. Toyota Việt Nam cho biết đây là hành vi lừa đảo và làm ảnh hưởng đến uy tín của hãng.
Vừa qua, fanpage của hãng điện máy Xanh (Dienmayxanh.com) cũng đã bị giả mạo, rao bán hàng chục mặt hàng như bàn là, nồi cơm điện, điện thoại, tủ lạnh mini… với giá rẻ giật mình chỉ từ 30.000 đồng, thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn người. Trước thông tin giá bán siêu rẻ chỉ từ vài chục nghìn đồng, chỉ trong vài ngày đã có hàng trăm nghìn lượt người dùng Facebook like và chia sẻ fanpage nói trên.
Phụ trách truyền thông của Điện máy Xanh cho biết fanpage bán hàng siêu rẻ nói trên là trang hoàn toàn giả mạo. Điện máy Xanh đã phải liên tục cảnh báo người tiêu dùng về những trang giả mạo như vậy.
Thegioididong.com và Dienmayxanh.com (thuộc Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động) là hai thương hiệu bị mạo danh khá nhiều trong suốt thời gian qua với các hình thức từ lừa đảo để tăng Like, thu tiền bất chính.
Thậm chí website còn sử dụng hình ảnh biển hiệu và nhân viên của chính thegioididong.com, Dienmayxanh.com trong các thông tin quảng bá dịch vụ, in chương trình khuyến mãi của nhiều sản phẩm rồi đưa kèm logo của doanh nghiệp để người tiêu dùng nhẹ dạ sẽ tin tưởng mua hàng.
Nạn giả mạo các nhãn hàng lớn để câu like trên Facebook không phải mới xuất hiện, mà rộ lên từ giữa năm 2016 hàng loạt các hãng xe có tên tuổi Toyota, Honda, Porsche, Mercedes-Benz đồng loạt xuất hiện trên Facebook với các bài đăng tặng xe hơi cho người dùng may mắn.
Theo như giới chuyên môn, đây là thủ pháp câu like của những người xây dựng Fanpage để bán lại, sau khi câu được một lượng like lên đến vài chục nghìn là họ sẽ tìm người có nhu cầu để rao bán, Fanpage giả mạo này sẽ được đổi tên sau khi được sang nhượng. Do đó hình thức tăng like "bẩn" này thường được chủ Fanpage chạy quảng cáo rầm rộ mỗi đợt trong vài ngày.
Có thể nói, hành vi tung tin thất thiệt, giả mạo không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm pháp luật của nhiều nước khác. Tuy nhiên, quy định cứng nhắc trong việc xử lý gỡ bỏ thông tin sai phạm của Facebook và YouTube đã vô tình tiếp tay cho những kẻ trục lợi từ tin tức giả mạo, gây thiệt hại cho cả các nhãn hàng cũng như ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng.