Thứ hai, 28/04/2025 02439448033 VN | EN

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 28/04/2025 Thông tin điện tử

Chủ nhật, 03/09/2017

Vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet đang diễn ra ngày càng phức tạp

Vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet đang diễn ra ngày càng phức tạp

Tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet đang diễn ra ngày càng phức tạp. Các hình thức phổ biến là tải từ các trang chính thống rồi up lại trên YouTube, Facebook hoặc trên những trang web lậu; tìm cách qua mặt hệ thống rà soát bản quyền tự động của YouTube, Facebook bằng cách bóp méo tiếng, thu nhỏ khung hình, xoay đối xứng khung hình; có trang còn lấy tín hiệu trực tiếp từ các kênh của các Đài mà không xin phép sau đó đóng gói dịch vụ và đem bán lại cho người xem hoặc phát lại để thu hút quảng cáo; tạo Facebook giả mạo các đài, post chương trình vi phạm bản quyền nhằm thu lợi bất chính; dẫn link từ YouTube về trang chủ các trang vi phạm bản quyền.

Vi phạm bản quyền không còn trong lãnh thổ Việt Nam nữa, 2-3 năm trở lại đây hành vi vi phạm đối với nội dung nước ngoài càng trở nên tinh vi và tổ chức rất chuyên nghiệp bởi các đơn vị có tên tuổi lớn. Thông thường một bộ phim khi được phát sóng ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan thì sau 18h kể từ lúc phát sóng sẽ có bản phụ đề up lên các diễn đàn. Nhưng sau khi xuất hiện một vài đơn vị có máu mặt xuất hiện ở Việt Nam thì thời gian này càng được rút ngắn bởi họ tổ chức những đội chuyên nghiệp, chuyên dịch và làm phụ đề cực nhanh, chỉ khoảng 12 giờ, thậm chí là 30-60 phút là đã có bản ăn cắp trên các trang mạng.

Tại hội thảo bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet tại Việt Nam – Quyết tâm và Giải pháp, tổ chức hôm 18/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, sự phát triển của các loại hình dịch vụ Internet, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình diễn ra trên diện rộng, ngày càng gia tăng với nhiều phương thức tinh vi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động và doanh thu của các Đài PT-TH, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, bảo vệ bản quyền phải đạt được 2 mục tiêu: Bản quyền chủ sở hữu được tôn trọng và được sử dụng hợp pháp. Có bản quyền nội dung, nhưng việc cung cấp nội dung có bản quyền phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV, cho rằng làm thế nào để không vi phạm bản quyền là rất khó khăn, vì bản quyền là một "cái biển" rất lớn mà chúng ta thiếu thông tin để xác định thế nào là bản quyền. Bảo vệ bản quyền phải bắt đầu từ cái nào không phải của mình thì không dùng, không được phép thì không dùng, được phép dùng thì trong khoảng thời gian nào, nhận thức được điều này để không vi phạm bản quyền, để làm sao phóng viên và biên tập viên xác định không phải của mình thì mình không lấy, làm sao để cái nào có thể dùng được nếu không phải của mình. VTV đã xây dựng ra các phần mềm lọc ra các nội dung, phân loại cái gì có thể dùng được và có thể dùng ở đâu.