Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ tư, 05/12/2018

Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một hệ thống mạng xã hội của riêng mình

Mạng xã hội có thể coi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thời hiện đại. Ngoài những cái tên khá phổ biến trên toàn thế giới như: Twitter, Facebook hay Instagram, hiện một số quốc gia đã tự nghiên cứu và triển khai mạng xã hội của riêng mình. Chắc chắn nhiều người dân Việt Nam sẽ lựa chọn một mạng xã hội do người Việt phát triển, phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người Việt.

Mạng xã hội đang là một lĩnh vực được quan tâm, với doanh thu 370 triệu USD, gần tương đương với doanh thu của toàn ngành phát thanh truyền hình. Tuy nhiên, nguồn doanh thu này chủ yếu rơi vào Google và Facebook lần lượt là 135 triệu USD, 235 triệu USD.

Việt Nam đã có một mạng xã hội lớn là Zalo với hàng chục triệu thuê bao. Nhưng so với Facebook thì còn quá nhỏ. Bộ đã cấp 436 giấy phép về mạng xã hội nhưng số lượng thuê bao ở những mạng này rất là khiêm tốn. Điều này có thể thấy chính phủ chưa chú trọng đến việc phát triển mạng xã hội của Việt Nam. Trong khi đó, các mạng xã hội từ nước ngoài chưa tuân thủ luật pháp Việt Nam, chưa thực hiện yêu cầu an ninh của quốc gia.

Việt Nam cần tập trung phát triển mạng xã hội trong nước để mạng xã hội Việt Nam có thể chiếm 60-70% thị phần. Hiện nay có khá nhiều DN tư nhân trong nước rất mong muốn trong 2-3 năm tới được phát triển mạng xã hội của người Việt để đi theo văn hoá của chính chúng ta. Các dịch vụ nước ngoài như Facebook, Google là các dịch vụ toàn cầu nên tính địa phương hoá không cao.

Hiện nay, các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài. Người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân.

Hơn nữa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin trên mạng còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế; việc ngăn chặn hiệu quả các thông tin xấu độc còn hạn chế do hạn chế về giải pháp công nghệ, kỹ thuật.

Nói về mạng xã hội do chính người Việt phát triển, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh Trung Quốc đã làm rất tốt về việc xây dựng mạng xã hội của riêng họ. Vì vậy, Việt Nam cũng nên xây dựng mạng xã hội của mình. Bộ TT&TT đảm nhận nhiệm vụ này để cùng các doanh nghiệp xây dựng và phát triển mạng xã hội trong nước.

Phát triển mạng xã hội và vấn đề của toàn cầu, các nước đều quan tâm chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nước Nga có phần mềm tìm kiếm riêng trên Internet, Trung Quốc có mạng xã hội riêng..., còn các nước khác hầu hết phụ thuộc vào Facebook, Google.

Để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội cạnh tranh được mạng toàn cầu thì chính sách phải đồng bộ, ưu tiên giảm thuế, phí, phát triển nội dung số để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh; khi đó mới có cơ sở tin tưởng doanh nghiệp trong nước xây dựng được mạng xã hội cạnh tranh, thay thế Facebook, Goolge.

Ngoài ra, để phát triển mạng xã hội trong nước, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự phối kết hợp của các đơn vị, như nhà mạng viễn thông, nhà mạng xã hội, nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung trong nước cùng vào cuộc một cách tập trung thì mạng xã hội mới phát triển mạnh được.

Trong thực tế, Bộ TT&TT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật.

Bộ đã tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng.

Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Trong đó các trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng vi phạm: Tuỳ theo mức độ, Bộ sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kỹ thuật, áp dụng theo quy định tại nghị định số 174/2013/NĐ-CP. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền...