Thứ hai, 29/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 29/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ hai, 17/12/2018

Việt Nam có những mạng xã hội trong nước nào đang phát triển?

Mạng xã hội cho phép kết nối với bất kỳ ai trên thế giới, xóa tan những khoảng cách về địa lý. Song chính những thuận lợi này, cũng tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro khó lường. Hiện nay một số nơi đang khai thác hiệu quả mạng xã hội khi sử dụng công cụ này trong việc giao tiếp, trao đổi giữa chính quyền và nhân dân, tăng tính tương tác so với những hình thức truyền thống một chiều như trước kia.

Để có thể sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, tránh những tác động xấu, vấn đề mấu chốt nằm ở chính con người. Mỗi người sử dụng mạng xã hội phải tham gia với tinh thần trách nhiệm và xây dựng. Bên cạnh đó, cũng cần trang bị cho người dân khả năng tự bảo vệ trước những luồng thông tin xấu, không chính xác.

Tại Việt Nam, bên cạnh sự phổ biến của Facebook và YouTube, một doanh nghiệp nội là Zalo hiện có khoảng 40 triệu người sử dụng hàng tháng. Đây là một con số đáng kể khi tổng lượng người sử dụng Zalo chiếm tới một nửa dân số Việt Nam và bằng gần 70% số người sử dụng Facebook.

Thực tế này không chỉ có ở phần lượng mà còn tồn tại cả ở phần chất. Những số liệu thống kê đã chỉ ra rằng, thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình của người Việt Nam là 3,55 giờ trên Facebook. Với Zalo, con số này không thua kém quá xa khi đạt xấp xỉ 2,12 giờ sử dụng.

Bên cạnh Zalo, cũng cần phải nhắc tới một cái tên khác là Mocha của Viettel. Sau hơn 3 năm kể từ ngày ra mắt, ứng dụng mạng xã hội này hiện đã có khoảng 4,5 triệu người sử dụng. Có thể nói rằng, sự xuất hiện, phát triển nhanh và mạnh mẽ của Zalo và Mocha là những minh chứng sống động cho khả năng giành giật thị trường của các mạng xã hội Made in Việt Nam trước những đối thủ lớn như Google hay Facebook.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Internet đang nhận định các mạng xã hội Việt Nam tuy nhiều nhưng kém bản sắc, thiếu sáng tạo. Không ít dịch vụ được xây dựng từ sự bắt chước giao diện, tính năng của Facebook.

Thực tế, đối với các doanh nghiệp mới tham gia mạng xã hội, cơ hội không hẳn đã chấm dứt. Có thể lấy thị trường Trung Quốc làm ví dụ, mặc dù chính phủ cấm cửa Facebook để bảo vệ nhóm công ty trong nước nhưng bản chất các doanh nghiệp này phải cạnh tranh lẫn nhau để có chỗ đứng.

Có thể thấy top 10 bảng xếp hạng mạng xã hội phổ biến Trung Quốc trong thời gian qua không thay đổi nhưng nhóm mới nổi luôn sôi động. Có thể kể đến các cái tên như Douyin (mạng xã hội video ngắn) hiện được định giá 8 tỉ USD, Pinduoduo mạng thương mại điện tử xã hội kết hợp mua theo nhóm vừa được định giá 30 tỉ USD. Song song đó là các mạng xã hội chuyên biệt như Xuequi (tài chính), Keep (chăm sóc sức khỏe), Xiao Hong Shu (mạng bán hàng dành cho nữ xuyên biên giới).

Việt Nam có khả năng tạo ra các thị trường mới nhờ vào lực lượng lập trình viên, các nhóm sáng tạo nội dung tốt. Bên cạnh đó, việc xin giấy phép hiện đã dễ dàng hơn từ khi người đứng đầu Chính phủ ngỏ lời về một mạng xã hội trong nước, phương án dùng cả biện pháp kinh tế, kỹ thuật để quản lý mạng xã hội nước ngoài . Đó là tín hiệu tốt trong một sân chơi quá nhiều bigtech như hiện nay.

Việt Nam đang đề xuất một số chính sách ủng hộ mạng xã hội Việt Nam, mục tiêu là đến năm 2022 bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60 - 70% thị phần. Cùng với việc phát triển mạng xã hội Việt, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 10 nước về phát triển sinh thái số, với 60 - 70% người dân dùng hệ sinh thái nội.

Nói về mạng xã hội do chính người Việt phát triển, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với đề xuất của Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT. Thủ tướng nhấn mạnh Trung Quốc đã làm rất tốt về việc xây dựng mạng xã hội của riêng họ. Vì vậy, Việt Nam cũng nên xây dựng mạng xã hội của mình. Bộ TT&TT đảm nhận nhiệm vụ này để cùng các DN xây dựng và phát triển mạng xã hội trong nước.