Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Tin tức - sự kiện

Thứ tư, 10/10/2018

Mức chế tài với các hành vi vi phạm bản quyền còn quá nhẹ

Nạn vi phạm bản quyền các nội dung truyền hình, phim ảnh một cách tràn lan đang là gánh nặng lớn làm giảm tốc, kìm hãm sự phát triển chung của thị trường OTT Việt Nam.

Người tiêu dùng không phân biệt đâu là ứng dụng xem truyền hình có bản quyền nên các nhãn hàng quảng cáo cũng không mấy bận tâm đến việc này.

Tại một hội thảo trao đổi về hoạt động truyền hình cáp và bản quyền truyền hình tổ chức ở Đà Nẵng mới đây, Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Trưởng phòng Phát thanh – Truyền hình (Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT) cho biết, thực trạng vi phạm bản quyền truyền hình đang rất phổ biến trên internet.

Theo bà Hằng, Việt Nam hiện có 450 mạng xã hội được cấp phép. Thực trạng hiện nay cho thấy mạng xã hội, trang thông tin điện tử đang cạnh tranh rất lớn với các doanh nghiệp truyền hình OTT. Lượng quảng cáo của những trang mạng này là áp lực lớn với các doanh nghiệp OTT.

Thực tế cho thấy, dù cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý nhưng tình trạng vi hạm bản quyền truyền hình trên internet vẫn phổ biến.

Theo bà Trịnh Thị Thanh Hằng, đối với các website sử dụng hosting của DN OTT trong nước có vi phạm, cơ quan chức năng sẽ thu hồi những trang có tên miền .vn, yêu cầu DN OTT dừng hosting đối với các web vi phạm.

Đối với website sử dụng tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, biện pháp xử lý là đề nghị DN viễn thông chặn truy cập, dừng quảng cáo tự động.

Đơn cử trong thời gian qua, Cục nhận được khiếu nại của Đài VTC liên quan việc vi phạm bản quyền giải Asiad trên các trang web hay mạng xã hội. Cơ quan chức năng đã chặn 18 website phổ biến có vi phạm. Trong số này có trang Xoilac vốn được nhiều người biết đến khi chia sẻ nhiều trận đấu của U23 Việt Nam ở giải này.

Trong khi đó, với các giải đấu quốc tế, nếu tình trạng vi phạm bản quyền xảy ra, luật chơi công bằng có thể khiến chúng ta không được quyền xem các giải đấu nữa. Đơn cử như với giải đấu World Cup vừa qua, Đài truyền hình Việt Nam đã cho biết các đơn vị vi phạm bản quyền dưới bất kỳ hình thức nào, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu mọi tổn thất phát sinh cho VTV. Bởi vì, FIFA sẽ cắt sóng World Cup 2018 tại Việt Nam bất kỳ lúc nào nếu VTV và các đơn vị được chia sẻ hợp pháp, không bảo vệ được bản quyền. Điều này sẽ mang lại hệ lụy rất lớn không chỉ về tiền bạc mà còn uy tín của VTV. Nếu bị cắt sóng khi giải vẫn đang diễn ra, thiệt hại đầu tiên sẽ chính là khán giả, tiếp theo là VTV vì còn phải đền bù hợp đồng cho FIFA và thiệt hại cho những đơn vị vi phạm vì nơi được cấp bản quyền (VTV) có quyền kiện ra tòa.

Hiện vẫn chưa có thống kê chính thức nào tại Việt Nam về số lượng các đơn vị vi phạm bản quyền truyền hình, cũng như thiệt hại gây ra. Tuy nhiên Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, vi phạm bản quyền trên internet "đang ở mức báo động". Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng mức chế tài các hành vi vi phạm bản quyền còn quá nhẹ.

Gần đây nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mạnh tay yêu cầu rút toàn bộ quảng cáo trên 50 trang web vi phạm bản quyền. Trong đó có nhiều trang OTT truyền hình có lượng truy cập cao như hayhaytv, hdviet, hdtivi....

Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần có những xử lý có sức răn đe hơn nữa được quy định trong luật. Bởi vi phạm bản quyền trên Internet luôn có dấu hiệu tái diễn. Ví dụ mới nhất là trận chung kết Champions League vừa qua, ước tính có đến 50 triệu livestream vi phạm bản quyền.

Đơn cử như với giải đấu World Cup vừa qua, mặc dù VTV đã đưa ra những khuyến cáo nhưng tình trạng vi phạm bản quyền World Cup vẫn xảy ra một cách ngang nhiên. VTV thống kê, chỉ riêng trong vài phút đầu tiên khi bắt đầu trận đấu khai mạc, đơn vị đã phát hiện và đánh chặn hơn 100 trang web và mạng xã hội vi phạm bản quyền phát sóng. Nhiều tài khoản Facebook đã chia sẻ toàn bộ trận đấu, cả chương trình bình luận trước, trong và sau trận đấu.

Thậm chí, những tài khoản này còn ngang nhiên lấy tên là Truyền hình VTV và chuẩn bị một trang mạng khác dự phòng nếu đường tín hiệu này bị chặn. Chỉ sau khoảng 2-3 phút, các vi phạm này đã bị chặn lại. Thế nhưng, càng báo cáo vi phạm, các trang web càng liên tục đổi địa chỉ IP để chia sẻ tín hiệu lậu. Phải chăng, mức chế tài với các hành vi vi phạm bản quyền còn quá nhẹ, nên tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra tràn lan?