Thứ sáu, 29/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 29/03/2024 Văn bản QPPL

Thứ ba, 13/07/2021

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP (lần 2) - Bài 2: Các quy định nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” trang TTĐT, MXH

Những quy định mới

Ngày 5/7/2021, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đã được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến (lần 2). Sau thời gian tiếp thu ý kiến đóng góp và chỉnh sửa, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP có nhiều điểm mới và so với dự thảo lần 1, những quy định mới trong dự thảo lần này đã chi tiết hơn, cụ thể hơn, nhiều khái niệm, định nghĩa mới cũng được đưa vào.

Ban biên tập sẽ lần lượt giới thiệu những điểm mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi lần này đến bạn đọc.

Bài 2:

Các quy định nhằm hạn chế tình trạng báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội

So với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đã đưa ra các quy định cụ thể hơn nhằm hạn chế tình trạng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, đồng thời một số quy định được giảm bớt về ”độ khó” để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý.

Nội dung dẫn lại trên trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được phát hành sau thời điểm phát hành nội dung nguồn ít nhất 30 phút

So với dự thảo lần 1, thời gian dẫn lại nguồn tin chậm so với tin, bài gốc đã được rút ngắn (từ 1 giờ xuống còn 30 phút), tuy nhiên, đối với nội dung tổng hợp, các trang thông tin điện tử tổng hợp được yêu cầu phải ghi rõ tên tác giả và tên nguồn tin, thời gian đã đăng, phát thông tin , đặt đường dẫn liên kết đến bài viết nguồn ngay cuối bài dẫn lại.

Trang thông tin điện tử tổng hợp cũng được yêu cầu phải có công cụ bằng phương tiện điện tử để tiếp nhận, xử lý khiếu nại của người sử dụng về nội dung, bản quyền; có cơ chế phối hợp xử lý nội dung vi phạm theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Dự thảo cũng quy định: Các cơ quan báo chí đã có báo/tạp chí điện tử thì không có trang thông tin điện tử tổng hợp.

Đối với các mạng xã hội, dự thảo yêu cầu chủ mạng xã hội phải có giải pháp không cho thành viên lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Báo chí;

Hiển thị nội dung đăng tải của thành viên theo thời gian thực, không sắp xếp theo các chuyên mục cố định, không đặt hàng thành viên sản xuất nội dung dưới hình thức tác phẩm báo chí để đăng tải dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội cũng được rút ngắn thời hạn cấp phép còn tối đa không quá 05 năm và gia hạn chỉ 01 lần, mỗi lần không quá 02 năm (trước đây thời hạn giấy phép tối đa là 10 năm và được gia hạn 02 lần).

Quy định về tên trang, tên miền nhằm phân biệt với cơ quan báo chí

Nhằm tránh tình trạng các trang thông tin điện tử tổng hợp đặt trên trang, tên miền mập mờ, gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, dự thảo quy định: 

"Phải ghi rõ tên trang (nếu có) và tên loại hình dịch vụ (trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội) ở ngay dưới tên trang/tên ứng dụng, có cỡ chữ cao bằng 2/3 cỡ chữ của tên trang và có màu không bị lẫn vào màu nền.

Đối với trang thông tin điện tử truy cập qua ứng dụng trên mạng: Tên trang và tên dịch vụ phải được thể hiện ngay ở bên dưới biểu tượng (logo) của ứng dụng; các thông tin cần hiển thị khác nằm ở mục Thông tin liên hệ”.

Ngoài ra, tên miền, tên trang của trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: báo, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, thông tấn, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã...

(Còn tiếp)

BBT