Thứ sáu, 13/09/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 13/09/2024 Hoạt động sự kiện

Thứ năm, 07/09/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo thường kỳ tháng 8/2023

Ngày 06/9/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 8/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, người phát ngôn Bộ TT&TT chủ trì họp báo, Thứ trưởng Phạm Đức Long đồng chủ trì.

Dự họp báo có Lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục An toàn thông tin, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Cục Công nghiệp ICT, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Trung tâm Thông tin, Báo điện tử Vietnamnet, Tạp chí TT&TT cùng đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ và các nhà báo, phóng viên đại diện cho các cơ quan thông tấn, báo chí.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến lĩnh vực viễn thông, tần số, triển khai 5G.

85% thuê bao phát triển mới thực hiện đối soát online với cơ sở dữ liệu dân cư

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, giấy phép 5G.

Thứ trưởng cho biết, về việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, Bộ TT&TT đã quyết liệt xử lý thông tin thuê bao không chính chủ. Trước đây chưa có cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia (CSDL) nên đã xử lý tình trạng này nhiều năm mà không hiệu quả. Hiện nay, khi đã triển khai kết nối vào hệ thống CSDL dân cư, có thể thực hiện đối soát những SIM có thông tin sai lệch, bị nghi ngờ giả mạo và thông tin thuê bao có giấy tờ hết hạn, do đó đã xử lý được 19,6 triệu thuê bao. Trong số 19,6 triệu thuê bao này, 7,5 triệu thuê bao đã đến nhà mạng chuẩn hóa lại thông tin, còn lại khoảng 12,5 triệu thuê bao không chính chủ, hiện đang bị khoá một chiều vì đến thời hạn mà không cập nhật, chuẩn hóa thông tin với nhà mạng.

Trả lời câu hỏi hàng tháng có bao nhiêu SIM phát hành ra thị trường và làm thế nào đảm bảo chủ sở hữu những SIM này là thuê bao chính chủ, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, hiện nay 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và Vinaphone chiếm 85% thuê bao, kết nối trực tiếp (online) vào CSDL dân cư. Có nghĩa là, khi phát triển thuê bao mới, đối soát với CSDL dân cư khớp mới được phát triển, không khớp thông tin thì bị từ chối. Còn lại, khoảng 15% thuê bao phát triển mới của các nhà mạng nhỏ, chưa kết nối với CSDL Bộ Công an vì chưa đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu kết nối của Bộ Công an. Các nhà mạng nhỏ này hàng tháng phải gửi dữ liệu đến để đối soát với CSDL dân cư, nếu không khớp thì các thuê bao này cũng sẽ bị loại khỏi mạng. Như vậy, hiện nay, cơ bản các thuê bao mới phát triển của các nhà mạng phải đối soát 100% thông tin với CSDL quốc gia dân cư, trong đó 85% là đối soát online, 15% là có độ trễ 1 tháng.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng lưu ý về tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thông tin thuê bao hiện còn tồn tại nhiều. Theo quy định, mỗi người chỉ đăng ký được 3 SIM. Nhiều người nghĩ đơn giản chỉ là đứng hộ tên thôi nhưng không biết rằng mình đã vô hình chung tạo ra SIM không chính chủ mặc dù kiểm tra, đối soát với CSDL dân cư là chính xác. Người thật, việc thật, tên thật, địa chỉ thật nhưng SIM đứng tên xong lại được bán cho người khác. Qua các đợt thanh tra gần đây cho thấy tình trạng đứng tên hộ SIM chủ yếu liên quan đến các đại lý. Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng yêu cầu chấn chỉnh việc này và các nhà mạng cam kết dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao từ ngày 10/9/2023, chỉ tập trung vào kênh chuỗi có uy tín. Nhà mạng nào vi phạm, Bộ sẽ xử lý phạt nghiêm theo Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/01/2022, theo đó sẽ đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3 - 12 tháng tùy theo mức độ vi phạm.

Về thời điểm thương mại hoá 5G, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT&TT đang triển khai quy trình đấu giá cấp tần số 5G cho các nhà mạng vào cuối năm 2023 và dự kiến, các nhà mạng sẽ triển khai 5G trong năm 2024. Hiện nay, thiết bị 5G của Viettel đang được đo kiểm ở các bước cuối cùng và khoảng 1,5 tháng nữa các thiết bị này sẽ được kiểm tra xem có đáp ứng quy chuẩn Việt Nam hay không.

Đối với công nghệ 6G, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy phát triển 6G. Bộ mong muốn đồng hành cùng thế giới trong triển khai, nghiên cứu và sản xuất thiết bị 6G.

Định danh tài khoản khi tham gia mạng xã hội

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin cho biết, việc bổ sung quy định về định danh, xác thực tài khoản người dùng khi tham gia mạng xã hội là cần thiết và kịp thời để người dùng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng; ngăn chặn, hạn chế tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trước xu hướng gia tăng, đồng thời, việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động còn là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành và hiện trạng thực tế triển khai của các mạng xã hội.

Ông Nguyễn Duy Khiêm - đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin

Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị chức năng có liên quan đẩy mạnh giám sát, thúc đẩy các cơ quan, tổ chức tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo các quy định pháp luật được tuân thủ đầy đủ. Ví dụ, mới đây nhất, Bộ TT&TT đã tiến hành thanh tra toàn diện TikTok, trong đó, bao gồm kiểm tra về việc “thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu của người dùng; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng”.

Cũng trong lĩnh vực an toàn thông tin, liên quan đến câu hỏi về tình trạng lừa đảo qua mã QR ngày càng gia tăng, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng mã QR tăng lên nhanh chóng. Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, mã QR có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị. Trong năm 2022, thanh toán qua mã QR tăng tới 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị so với năm 2021.

Do sự tiện lợi của hình thức thanh toán này, tình trạng lừa đảo bằng mã QR được ghi nhận tăng mạnh trên thế giới và tại Việt Nam. Đầu tháng 8/2023, một số ngân hàng tại Việt Nam đã phát đi cảnh báo tình trạng lừa đảo thẻ tín dụng thông qua mã QR. Cảnh báo cho biết kẻ gian sau khi kết bạn qua mạng xã hội để trao đổi với nạn nhân sẽ gửi mã QR để người dùng quét. Mã này dẫn tới các website giả mạo ngân hàng, trong đó yêu cầu người dùng nhập thông tin họ tên, số căn cước công dân, tài khoản, mã bí mật hoặc OTP. Từ đó, người dùng bị chiếm tài khoản.

So với đường link độc hại truyền thống thì mã QR có lợi thế là có thể chèn trực tiếp vào email, tin nhắn mà không bị các bộ lọc chặn lại, từ đó dễ dàng tiếp cận người dùng.

Đại diện Cục An toàn thông tin đã đưa ra một số khuyến cáo cho người dùng, gồm:

Thận trọng trước khi quét mã QR code, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email; xác định và kiểm tra kỹ càng thông tin tài khoản người trao đổi mã QR; xem xét kỹ nội dung trang web mà mã QR đưa tới. Kiểm tra đường link xem có bắt đầu với https và có phải tên miền quen thuộc không; Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản đăng nhập ngân hàng, tài khoản MXH…; sử dụng trình quản lý mật khẩu, xác thực hai yếu tố và các phương thức bảo vệ khác cho tài khoản.

Bản quyền trên không gian mạng

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Cục đang phối hợp với các doanh nghiệp lớn như K+ và các nhà mạng để ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng, đặc biệt đối với các trận đấu bóng đá của các giải lớn như giải ngoại hạng Anh và các trận đấu có đội tuyển Việt Nam tham gia. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Giải ngoại hạng Anh thông qua đối tác K+, Việt Nam là đối tác tích cực bảo vệ bản quyền giải này trên thế giới.

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự do

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Tự Do, hiện có tình trạng khi các doanh nghiệp viễn thông chặn trang web lậu thì các web lậu, kênh lậu đổi địa chỉ IP, tên miền nhanh chóng chỉ sau khoảng 5-10 phút. Đây thực sự là một cuộc chiến cam go và cần sự tham gia của người dân. Nếu người dân cứ tiếp tục ủng hộ các trang web vi phạm nội dung bản quyền, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chính thống sẽ không đầu tư mua bản quyền với chi phí cao và thiệt thòi sẽ thuộc về phía người tiêu dùng. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ./. 

Giang Phạm

Nguồn https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/159635/Bo-Thong-tin-va-Truyen-thong-hop-bao-thuong-ky.html