Chủ nhật, 22/12/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Chủ nhật, 22/12/2024 Hoạt động sự kiện

Thứ hai, 02/12/2024

Bộ trưởng Bộ TT&TT đúc kết cách xây dựng trợ lý ảo thành công

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, làm trợ lý ảo cần suy nghĩ đơn giản, không phụ thuộc công nghệ và tập trung tư duy "đầu bài" cho các công ty công nghệ triển khai.

Ngày 29/11/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 11/2024.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ TT&TT, Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Doanh thu toàn ngành TT&TT tăng 19,8% và đạt 95,6% so với kế hoạch năm

Tại hội nghị, lãnh đạo Văn phòng Bộ TT&TT đã báo cáo tóm tắt một số kết quả công tác quản lý nhà nước về TT&TT trong tháng 11/2024.

Theo đó, trong tháng 11, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành: Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số (KTS) giai đoạn 2024 - 2025.

Ông Đồng Hải Hà, Phó Chánh Văn phòng Bộ TT&TT thông tin kết quả công tác quản lý nhà nước ngành TT&TT tháng 11/2024.

Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số (giai đoạn 2024 - 2025 đã xác định không gian tăng trưởng chủ yếu của KTS Việt Nam là phát triển KTS theo ngành, lĩnh vực; Ưu tiên tập trung vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam có tiềm năng lớn và dư địa phát triển KTS gồm: Thương mại bán buôn, bán lẻ; Nông nghiệp; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Logistics.

Trong đó, lần đầu tiên xác định vai trò của 4 chủ thể trong phát triển KTS gồm: Các bộ, ngành; Các địa phương; Các doanh nghiệp (DN) công nghệ số; Các DN trong các ngành lĩnh vực.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Việc xây dựng Luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển DN công nghệ số. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các DN công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển KTS, xã hội số.

Trước đó vào ngày 12/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực TT&TT.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn đối với lĩnh vực TT&TT diễn ra sôi nổi. Tại phiên chất vấn đã có 36 đại biểu chất vấn, 9 đại biểu tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định: “Với kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và lần thứ 3, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới".

Thông tin một số kết quả, hoạt động đáng chú ý trong tháng 11, lãnh đạo Văn phòng Bộ TT&TT cho biết trong 11 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 3.982.742 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 95,6% so với kế hoạch năm (4.166.339 tỷ đồng). Lợi nhuận toàn Ngành ước đạt 291.219 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 100,2% so với kế hoạch năm (290.745 tỷ đồng); Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 116.148 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 119% so với kế hoạch năm (97.102 tỷ đồng); Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 924.839 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 94,2% so với kế hoạch năm (981.852 tỷ đồng).

Trong tháng 11/2024, ngày 13/11, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển KTS và Xã hội số lần thứ II với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”.

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) và Cơ quan An ninh mạng và An ninh cơ sở hạ tầng (CISA), Bộ An ninh Nội địa, Hoa Kỳ đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) mạng.

Đây là dấu mốc đáng ghi nhớ không chỉ trong hợp tác song phương về ATTT mạng, mà còn phản ánh sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cũng trong tháng 11/2024, từ ngày 19 - 22/11, tại TP. Hạ Long, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sự kiện Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 3 với nhiều hoạt động như: Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng; Hội nghị 5G ASEAN lần thứ 4; Hội nghị các quan chức thông tin ASEAN; Hội nghị Việt Nam - ITU về quản trị AI và ứng dụng AI trong lĩnh vực công nghiệp; Hội thảo các khuyến nghị về chính sách và quy định để thúc đẩy dịch vụ tin cậy trong ASEAN; Hội thảo về các công nghệ miễn cấp phép thế hệ mới phục vụ phát triển kinh tế số; Diễn đàn quốc tế về chiến lược kỹ thuật số, chính sách và quản trị AI với Australia; Diễn đàn đầu tư số quốc tế - Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ICT tại các tỉnh, thành phố và khu công nghiệp.

Cũng trong trong khuôn khổ Hội nghị ASOCIO Digital Summit 2024 tại Nhật Bản, Việt Nam giành được 9 giải thưởng trong lĩnh vực CNTT: (1) UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đoạt giải Đô thị thông minh; (2) UBND tỉnh Bình Phước giành giải Chính phủ số; (3) Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông được tặng giải EdTech Award; (4) VinBrain được giải HealthTech; (5) Công ty Mservice đạt giải Outstanding Tech Organization Award; (6) Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh nhận giải Môi trường, xã hội, quản lý; (7) Vietjet được giải Emerging Digital Solutions & Ecosystem Award; (8) Bà Chu Thị Thanh Hà - chủ tịch FPTSoft nhận giải Women in Tech Award; (9) Bộ Kế hoạch và Đầu tư và FPT IS được trao giải Hợp tác công tư.

Định hướng các giải pháp để nâng cao chất lượng thể chế

Tại hội nghị, bà Trần Thị Nhị Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã có bài tham luận “Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong kỷ nguyên mới theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm”.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Nhị Thuỷ: Bộ TT&TT sẽ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chính sách cho các vấn đề mới, xu hướng mới trong ngành.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã trình bày định hướng các giải pháp để nâng cao chất lượng thể chế, theo đó, một số định hướng được tập trung, gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, CĐS trong xây dựng và thực thi pháp luật để hỗ trợ cho công tác rà soát phát hiện các điểm nghẽn, mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật; Hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo quy trình chuẩn, thời gian tiến độ hợp lý, rõ trách nhiệm theo đúng tinh thần "nâng cao năng suất và chất lượng xây dựng pháp luật"; làm rõ quy trình chính sách và quy trình quy phạm hóa.

Để thực hiện định hướng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã trình bày các nhiệm vụ trước mắt là: Quán triệt tinh thần mới trong xây dựng và hoàn thiện thể chế; các cấp ủy đảng, các đồng chí lãnh đạo đơn vị, cán bộ làm công tác xây dựng thể chế chủ động kiểm soát quyền lực, để kịp thời ngăn chặn các dấu hiệu tiêu cực tham nhũng chính sách, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Tiếp theo, Bộ TT&TT sẽ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chính sách cho các vấn đề mới, xu hướng mới trong ngành, lĩnh vực của mình, trong đó có những vấn đề được đồng chí Tổng bí thư đề cập đến như CĐS, AI, Internet vạn vật...

“Đây là sứ mệnh của ngành để xây dựng hành lang pháp lý cho các vấn đề mới, xu hướng mới tạo động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, Vụ trưởng Trần Thị Nhị Thuỷ nhấn mạnh.

Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, phát hiện kịp thời và sửa sớm các quy định là điểm nghẽn gây khó khăn, cản trở sự phát triển; Hoàn thiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để đảm bảo triển khai thực thi đồng bộ các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua.

Hội nghị cũng đã nghe tham luận của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC về xây dựng học liệu số phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Bộ Công an và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC về việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC và CNCH trên nền tảng số VTC.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Làm trợ lý ảo cần tư duy đơn giản, không phụ thuộc công nghệ.

Xây dựng trợ lý ảo xuất sắc để hỗ trợ công việc

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lắng nghe đại diện các đơn vị thuộc Bộ TT&TT như Cục CĐS Quốc gia, Cục Thông tin cơ sở, Văn phòng Bộ TT&TT, Cục Thông tin đối ngoại… triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc. Hiện nay, ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ công việc tại một số đơn vị đã vận hành tốt.

Trước việc vẫn còn một số vướng mắc trong triển khai trợ lý ảo, Bộ trưởng lưu ý ba nhóm công việc các đơn vị cần tập trung triển khai là: Xây dựng cẩm nang làm việc; hỏi đáp về dữ liệu của đơn vị, theo đó, để hỏi số liệu thì trợ lý ảo có thể cung cấp ngay và mỗi tuần cần cập nhật dữ liệu mới cho trợ lý ảo, gọi là làm giàu dữ liệu cho trợ lý ảo.

Qua tìm hiểu và phân tích việc triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, làm trợ lý ảo cần suy nghĩ đơn giản, không phụ thuộc công nghệ và tập trung tư duy "đầu bài" cho các công ty công nghệ.

Theo Bộ trưởng, các đơn vị triển khai thành công trợ lý ảo tại Bộ TT&TT thường không phải là các đơn vị thuần công nghệ.

Hội nghị xem demo triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc của một số đơn vị.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị triển khai trợ lý ảo cần làm cho đến nơi. Làm phải demo được. Làm thì phải xuất sắc để khơi thông các nguồn lực khác.

Cuối cùng, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị tập trung hoàn thành tốt các kế hoạch công tác của năm 2024, không được phép để chậm, muộn các nhiệm vụ đã giao. "Nhiệm vụ khó, không thể hoàn thành phải báo cáo ngay với lãnh đạo phụ trách để tìm biện pháp", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh với các trưởng đơn vị trực thuộc./.

Nguồn https://ictvietnam.vn/bo-truong-bo-tt-tt-duc-ket-cach-xay-dung-tro-ly-ao-thanh-cong-67953.html