Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) đảm bảo chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Sáng 17/4, tại Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc với các cơ quan báo chí chủ lực về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
Dự cuộc họp có Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình, lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan của Bộ VHTTDL.
Về phía các cơ quan báo chí chủ lực có Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm; Tổng biên tập Báo Công an nhân dân Phạm Quang Khải cùng đại diện lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Báo Nhân dân; Báo Quân đội nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với các cơ quan báo chí chủ lực về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi)
Tại cuộc họp, lãnh đạo các cơ quan báo chí chủ lực đã đóng góp ý kiến về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, mô hình tổ hợp báo chí truyền thông, vấn đề thống nhất tên gọi của các cơ quan báo chí trên toàn quốc và những vấn đề mới, phát sinh trong hoạt động báo chí hiện nay... Các đại biểu cũng góp ý vào một số điều khoản cụ thể trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình cho rằng việc sửa Luật Báo chí được tiến hành trong bối cảnh tình hình đất nước và đời sống báo chí có nhiều thay đổi.
Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình phát biểu.
Ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), lãnh đạo Bộ VHTTDL, trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có các cuộc làm việc với Cục Báo chí và các cơ quan để chỉ đạo sát sao công tác xây dựng Dự thảo Luật. Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan liên tục cập nhật những chỉ đạo và những thay đổi trong đời sống báo chí.
Theo Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình, trước giai đoạn phát triển mới của đất nước, việc sửa Luật Báo chí sẽ góp phần mở ra không gian phát triển mới, thế trận mới của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các cơ quan để hoàn thiện Dư thảo Luật.
Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm phát biểu.
Tổng biên tập Báo Công an nhân dân Phạm Quang Khải phát biểu.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, có chiều sâu của lãnh đạo các cơ quan báo chí chủ lực về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Các ý kiến đóng góp đều thống nhất việc sửa Luật Báo chí là việc cần làm và phải làm trong thời điểm hiện tại. Tuy vậy, trước bối cảnh có nhiều thay đổi của báo chí, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, việc sửa luật sẽ gặp rất nhiều khó khăn, với nhiều vấn đề, nội dung mới phải tiếp cận.
Cho ý kiến đối với từng nhóm nội dung đóng góp của lãnh đạo các cơ quan báo chí chủ lực, Bộ trưởng cho biết, đối với nhóm vấn đề liên quan đến nội hàm chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí gắn với định hướng của Đại hội XIII của Đảng: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại", trong Dự thảo Luật hiện còn chưa được thể hiện rõ, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.
Đối với vấn đề liên quan đến tên gọi của các cơ quan báo chí và dự kiến mô hình mới về tổ hợp truyền thông, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề rất mới, có những điều chưa có tiền lệ, do vậy phải cập nhật tình hình thay đổi hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và xin ý kiến cấp có thẩm quyền để định hướng nội dung này. Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo cần hết sức lưu ý vấn đề này.
Đối với vấn đề điểm nghẽn về cơ chế, Bộ trưởng cho rằng sửa Luật Báo chí cần gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về cơ chế cung cấp thông tin. Việc tháo gỡ điểm nghẽn này có ý nghĩa rất quan trọng, có được các thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng phải thiết kế cơ chế đặc thù, cơ chế tài chính đối với cơ quan báo chí.
Đối với vấn đề quản lý và định hướng thông tin cho báo chí hiện này, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ VHTTDL được Chính phủ giao quản lý nhà nước chung về báo chí, việc quản lý trực tiếp mỗi quan báo chí do cơ quan chủ quản thực hiện. Bên cạnh đó, việc định hướng công tác thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương quản lý và việc quản lý đạo đức nghề nghiệp do Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách... Theo Bộ trưởng, các nội dung này cũng cần được đưa vào Luật Báo chí (sửa đổi) để phân định rõ ràng chức năng của các cơ quan.
Bộ trưởng lưu ý cách tiếp cận trong xây dựng luật cần theo hướng "quản trị" chứ không phải "quản lý" báo chí đơn thuần.
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp được các đại biểu góp ý kiến, Bộ trưởng bày tỏ nhất trí và cho rằng Luật cần quy định rõ ràng, rành mạch, tránh sử dụng các từ đa nghĩa gây khó khăn trong quá trình thi hành Luật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kết luận buổi làm việc.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu:
Thứ nhất, phải tổng kết ngay việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đây là việc gấp rút, phải khẩn trương thực hiện và hoàn thành trước dịp kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Kết quả tổng kết sẽ là cơ sở quan trọng để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, định hướng thời gian tới.
Thứ hai, trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại buổi họp, Bộ trưởng giao Ban soạn thảo chủ động rà soát từng nội hàm (về chức năng nhiệm vụ, tên gọi, cơ chế, mô hình quản lý, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước, các nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp...) để đưa vào Dự thảo Luật.
Trong đó, phải chủ động rà soát, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết về báo chí và thông tin truyền thông, cần cụ thể hóa các điểm mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Thứ ba, Ban soạn thảo cần phối hợp, làm việc với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Tài chính, Hội Nhà báo để chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung liên quan. Đồng thời, chủ động làm việc với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện các nội dung trong Dự án Luật.
Thứ tư, Bộ trưởng đề nghị VTV, VOV và các cơ quan báo chí chủ lực nghiên cứu tổ chức một diễn đàn về Luật Báo chí (sửa đổi) để tập hợp các ý kiến đóng góp của chuyên gia và người dân, đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Bộ trưởng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành, đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) đảm bảo chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10./.
Xuân Trường - Ảnh: Nam Nguyễn