Thứ tư, 15/01/2025 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ tư, 15/01/2025 Hoạt động sự kiện

Thứ tư, 10/07/2024

Bộ TT&TT đề xuất một số nội dung bổ sung Văn kiện Đại hội Đảng XIV

Bộ TT&TT đã nêu một số đề xuất bổ sung Văn kiện Đại hội XIV của Đảng như các nội dung về chuyển đổi số (CĐS), hạ tầng số, AI, báo chí, truyền thông…

Thực hiện kế hoạch công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV, ngày 10/7/2024, tại Hà Nội, Đoàn Tiểu ban Văn kiện do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện làm Trưởng đoàn đã khảo sát, làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì buổi làm việc

Những đề xuất bổ sung nội dung vào Văn kiện Đại hội XIV

Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030 đã khẳng định vai trò của CĐS. Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) thì nói đến thông minh hoá, nói đến trí tuệ nhân tạo (AI). Trong công nghệ 4.0 thì có đến 50% là các công nghệ số, 50% còn lại thì lại dựa trên công nghệ số để phát triển. Do đó, Bộ TT&TT khẳng định có thể coi: “CĐS, công nghệ số là cốt lõi của cuộc CMCN 4.0, làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, mô hình phát triển. Công nghiệp hóa là CĐS lĩnh vực sản xuất, là sản xuất thông minh. Hiện đại hóa là CĐS toàn diện và toàn dân trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị và môi trường”.

Căn cứ vào Nghị quyết số 29/NQ-TW và thực tiễn vai trò của CĐS, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã trình bày các đề xuất bổ sung nội dung sau vào Văn kiện Đại hội XIV như: CĐS là phương thức phát triển mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH-HĐH đất nước.

Thứ trưởng Phan Tâm: CĐS là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

CĐS là cốt lõi của cuộc CMCN 4.0; Phát triển nhanh và bền vững phải dựa vào khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và CĐS; CĐS là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó, chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp một trải nghiệm CĐS toàn trình trong các hoạt động thường xuyên của người dân, doanh nghiệp; CĐS phải luôn song hành với chuyển đổi xanh, phát triển công nghiệp xanh gắn liền với công nghiệp số.

Về bưu chính, Bộ TT&TT khẳng định vai trò, sứ mệnh của bưu chính trong Văn kiện Đại hội XIV và đề xuất đưa nội dung: “Bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới. Bưu chính đảm bảo dòng chảy vật chất trong thế giới thực, tương xứng với dòng chảy dữ liệu trong nền kinh tế số, xã hội số...”.

Về hạ tầng số, Bộ TT&TT đề xuất tiếp tục khẳng định và cập nhật quan điểm phát triển hạ tầng số là một trong ba đột phá trong nhiệm kỳ tới. Bộ TT&TT cũng đề xuất bổ sung vào Văn kiện Đại hội XIV nội dung về kinh tế số; nhân lực số, kỹ năng số, an toàn thông tin (ATTT); công nghiệp ICT; AI khi AI là công nghệ nền tảng quan trọng, tạo ra giá trị mới của kinh tế số, tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về báo chí, truyền thông, Bộ TT&TT kiến nghị tiếp tục khẳng định sứ mệnh của báo chí cách mạng và giao thêm nhiệm vụ cho báo chí. Báo chí phải CĐS để thực hiện mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Bộ TT&TT cũng đề xuất nội dung về thông tin cơ sở, truyền thông chính sách…

Với những quan điểm, phương châm phát triển như đề xuất, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh: “Ngành TT&TT tin tưởng Việt Nam sẽ xây dựng thành công một “quốc gia số” ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.

Ngành TT&TT đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Cũng tại Hội nghị, các thành viên đoàn công tác như GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đã đề cập đến các nội dung về phát triển báo chí trong giai đoạn mới, các thách thức đối với báo chí - truyền thông khi truyền thông xã hội bùng nổ, bảo vệ con người an toàn trên không gian mạng, chủ quyền số quốc gia…

Các thành viên Đoàn công tác nêu trao đổi các nội dung phát triển với Bộ TT&TT

Sau khi nghe, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực TT&TT; các đề xuất của Ban Cán sự đảng Bộ TT&TT; ý kiến trao đổi giữa các thành viên trong Đoàn Tiểu ban Văn kiện và Ban cán sự đảng Bộ TT&TT, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã phát biểu tổng kết buổi khảo sát, làm việc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển lĩnh vực TT&TT.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Công cuộc CĐS quốc gia được tích cực triển khai, bước đầu tạo điều kiện phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Mặc dù trong điều kiện bối cảnh khó khăn, thách thức nổi lên gay gắt, hoạt động phát triển lĩnh vực TT&TT đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài, góp phần tạo động lực mới cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Công cuộc CĐS quốc gia được tích cực triển khai, bước đầu tạo điều kiện phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đồng thời tạo thuận lợi hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới. Hạ tầng số được phát triển đồng bộ phục vụ CĐS quốc gia và dẫn dắt phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tiến tới phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số.

Với hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số, công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ĐMST, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy CĐS quốc gia và ĐMST, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. An toàn không gian mạng quốc gia được bảo đảm, tạo điều kiện tiền đề để CĐS thành công, tạo lập niềm tin số, tự chủ để bảo đảm sự thịnh vượng trên không gian mạng.

Kinh tế số đã phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới, tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, trở thành động lực mới cho nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội số. Công tác truyền thông, báo chí tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nêu một số thách thức trong lĩnh vực TT&TT, gợi mở một số vấn đề đối với Ban cán sự đảng Bộ TT&TT để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đoàn công tác ghi nhận và tổng hợp những kiến nghị của Bộ TT&TT để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp công nghệ số, CĐS, kinh tế số, an toàn số, báo chí, truyền thông, xuất bản… đã có những thay đổi rất sâu rộng, chưa từng thấy.

Trước ý kiến của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng đoàn công tác và các đại biểu, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp công nghệ số, CĐS, kinh tế số, an toàn số, báo chí, truyền thông, xuất bản… đã có những thay đổi rất sâu rộng, chưa từng thấy. Đất nước muốn bay lên hùng cường, thịnh vượng thì phải có đôi cánh sức mạnh vật chất và tinh thần. Sức mạnh vật chất để phát triển đất nước như là KHCN mà KHCN hiện nay chủ yếu là CĐS. Sức mạnh tinh thần là khát vọng Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và sức mạnh này chủ yếu là do báo chí và truyền thông, sách báo tạo nên.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định ý kiến của Trung ương Ban Tuyên giáo Trung ương và Đoàn công tác sẽ được Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT tiếp thu, đưa vào chiến lược phát triển Ngành trong thời gian tới. Viện Chiến lược TT&TT là đơn vị được giao góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV và Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để đóng góp ý kiến cho Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV./.

 

Nguồn https://ictvietnam.vn/bo-tt-tt-de-xuat-mot-so-noi-dung-bo-sung-van-kien-dai-hoi-dang-xiv-64929.html