Thứ hai, 29/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 29/04/2024 Hoạt động sự kiện

Thứ sáu, 08/12/2023

Nhiều kế hoạch lớn của Hải Dương gắn với chuyển đổi số

Hải Dương sẽ nhấn mạnh vào một số ngành, lĩnh vực để triển khai cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, mang lại giá trị hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Hải Dương đứng thứ 4 cả nước về Cổng dịch vụ công trực tuyến

Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 19 diễn ra chiều ngày 7/12, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hải Dương Nguyễn Cao Thắng cho biết: Tính đến tháng 6/2023, tỉnh Hải Dương đang đứng thứ 13 cả nước về xếp hạng chuyển đổi số, tăng 1 bậc so với năm 2021. Trong đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến xếp thứ 4/63 tỉnh, thành trên cả nước.

Dự kiến đến hết năm 2024, cơ bản hoàn thành mục tiêu của công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đó là ”xây dựng và phát triển hạ tầng và dịch vụ số nền tảng của chính quyền điện tử và đô thị thông minh”.

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Cao Thắng trả lời về công tác CĐS tại kỳ họp HĐND tỉnh Hải Dương. Ảnh Hoàng Bách

Ông Thắng phát biểu: CĐS là nội dung mới, ứng dụng và phát triển ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong xã hội, tổ chức và người dân. Trong quá trình tham mưu cho tỉnh triển khai CĐS, ngành nhận thấy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển; nguồn lực cho triển khai CĐS còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Tại phiên họp, đại biểu quan tâm hỏi Giám đốc Sở TT&TT về những giải pháp “mạnh” để đưa Hải Dương vào trung tâm của kinh tế số và hành chính công.

Ông Thắng cho hay: Thời gian tới sẽ tập trung phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, chuyển dịch sang hạ tầng ICT là nền tảng cho CĐS. Hiện đã triển khai phủ sóng 4G, thí điểm 5G trên toàn tỉnh, mở rộng Internet cáp quang về vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó là tăng cường các ứng dụng dùng chung như hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, hội nghị truyền hình trực tuyến…Đẩy mạnh ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp như Hệ thống thông tin giải quyết  thủ tục hành chính của tỉnh, xây dựng Kho dữ liệu cho tổ chức, cá nhân để tái sử dụng lại dữ liệu.

Cư tri, đại biểu Hải Dương theo dõi kế hoạch CĐS trong thời gian tới của ngành thông tin tỉnh. Ảnh: Hoàng Bách

Hải Dương sẽ ứng dụng rộng rãi Đề án 06. Duy trì kết nối các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh với các bộ, ngành Trung ương thông qua trục kết nối liên thông quốc gia và của tỉnh.

Tỉnh sẽ nhấn mạnh vào một số ngành, lĩnh vực đã tập trung, ưu tiên nguồn lực để triển khai cung cấp dịch vụ CĐS, mang lại giá trị hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Làm gì để giúp người dân xoá khoảng cách số?

Đại biểu  nêu vấn đề do chênh lệch khoảng cách số, công chức ở cơ sở nhiều khi phải thực hiện số hoá hồ sơ, hỗ trợ làm thay người dân khi tham gia giải quyết thủ tục hành chính qua dich vụ công trực tuyến.  Ông Nguyễn Cao Thắng phân tích: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đang cung cấp 1.899 dịch vụ công, trong đó có 577 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 1.126 dịch vụ công trực tuyến một phần và 196 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Hải Dương đã tích hợp được 629 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. 

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 90%, tăng 16% ; Tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt 87,4%, tăng 31,4%; so với năm 2022; Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt tỉ lệ 98,57%, tăng 38% so với năm 2022.

Theo ông Thắng, muốn xây dựng thành công CĐS cần có công chức số, công dân số.  Đây là quá trình vừa làm, vừa rút  nghiệm, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến liên quan đến người dân. Thời gian qua, công chức ở cơ sở nhiều khi phải số hoá hồ sơ, hỗ trợ làm thay người dân.

Hiện nay hầu hết người dân đều sử dụng điện thoại thông minh (79%) và tiếp cận tương đối tốt với công nghệ số, đặc biệt là việc khai thác, sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... Tuy nhiên,  tương tác với các dịch vụ CĐS do cơ quan nhà nước cung cấp, đặc biệt là tham gia giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến thì còn hạn chế do trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ quy định còn nhiều phức tạp, vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân cảm thấy khó thực hiện và e ngại khi thực hiện.

Ngành truyền thông sẽ cùng cầm tay chỉ việc” để tạo ra thế hệ công dân số

Để đẩy mạnh hiệu quả trong cung cấp và sử dụng các dịch vụ CĐS theo hướng đồng bộ, tổng hợp, tạo thuận tiện cho người dân, Sở TT&TT đã đảm bảo hạ tầng duy trì, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, từng bước hoàn thiện các chức năng đảm bảo tăng tính tường minh, bổ sung tiện ích, hiệu quả, thân thiện và dễ sử dụng. Các cơ quan cũng thường xuyên rà soát đơn giản hóa thủ tục, rút gọn quy trình điện tử.

“Để có bước đệm, chúng tôi đã đưa ra “Giải pháp tình thế” nhằm đẩy mạnh tiếp cận và sử dụng các dịch vụ CĐS trong giai đoạn này là phải phát huy tối ưu vai trò của cán bộ chuyên môn trong việc hướng dẫn người dân bằng cách “cầm tay chỉ việc”, ông Thắng giải thích.

 Từ việc hỗ trợ, làm thay người dân đến giải thích, hướng dẫn cụ thể để người dân có thể tự làm được cần có sự kiên nhẫn, diễn đạt dễ hiểu, phù hợp với trình độ khả năng của người tiếp nhận thông tin, “đơn giản hóa” đến mức tối đa những thuật ngữ chuyên ngành.

Công tác số hoá dữ liệu, kinh tế số và thực hiện hành chính công được HĐND tỉnh đặc biệt lưu tâm. Ảnh: Hoàng Bách

Sở cũng tăng cường triển khai tập huấn và phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, các địa phương, doanh nghiệp trong ngành để đẩy mạnh hoạt động, nâng cao hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn/khu dân cư trong hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ số; nâng cao kỹ năng số, văn hóa số và hình thành công dân số, xã hội số.

Tỉnh cũng ban hành một số chính sách khuyến khích người dân tích cực sử dụng các dịch vụ số như giảm phí, lệ phí khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; miễn phí Chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính và  đang trình UBND tỉnh ban hành danh mục thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết.

Sở TT&TT sẽ phối hợp với Sở LĐTBXH triển khai theo hướng dẫn của Bộ TT&TT về hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh khi tắt sóng 2G.  Xây dựng Trợ lý ảo tích hợp trên một số Hệ thống dùng chung của tỉnh.

Nguồn https://vietnamnet.vn/nhieu-ke-hoach-lon-cua-hai-duong-gan-voi-chuyen-doi-so-2224664.html