Thứ bảy, 27/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ bảy, 27/04/2024 Hoạt động sự kiện

Thứ hai, 03/10/2022

Thúc đẩy phát triển nền tảng số quốc gia về phát thanh, truyền hình

 

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, ngày 11/2/2022 Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 186/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số Quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, ngày 11/2/2022 Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 186/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số Quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Theo đó, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam được giao thực hiện xây dựng và phát triển 2 nền tảng phát thanh và truyền hình số mang tầm Quốc gia.

Chiều ngày 23/9, Bộ TT&TT chủ trì cùng với Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy phát triển nền tảng phát thanh số, nền tảng truyền hình số quốc gia” nhằm công bố rộng rãi về kế hoạch phát triển 02 nền tảng này.

Với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nền tảng phát thanh số quốc gia, nền tảng truyền hình số quốc gia”, Hội thảo được thực hiện dưới sự chủ trì của 2 Lãnh đạo Bộ TT&TT là Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm.

Ảnh: Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Chuyển đổi số là một trong những bước tiến quan trọng trong định hướng phát triển của tất cả các Đài Phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên Internet. Vì vậy Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều lãnh đạo các Đài, đơn vị hoạt động phát thanh, truyền hình trên cả nước.

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của hơn 200 đại biểu đến từ 72 Đài, đơn vị hoạt động phát thanh, truyền hình và nhiều tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình.

Ảnh: Các Đài PTTH quan tâm đến việc tham gia vào nền tảng phát thanh số, truyền hình số quốc gia

Một trong những vấn đề đặt ra cần giải đáp là tại sao cần tham gia vào nền tảng phát thanh số, truyền hình số quốc gia?

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, với mục tiêu hình thành hệ sinh thái các nền tảng số Việt Nam, đáp ứng cơ bản yêu cầu của chuyển đổi số, góp phần quan trọng để đạt các chỉ tiêu chiến lược quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là tập hợp được các công nghệ Việt Nam xuất sắc để phát triển những nền tảng số quốc gia, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã chỉ ra các việc mà chúng ta cần làm. Đó là phát triển nền tảng số quốc gia trong từng ngành, lĩnh vực và được sử dụng rộng khắp. Cụ thể trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình là phải phát triển 02 nền tảng phát thanh số và nền tảng truyền hình số mang tầm quốc gia, thu hút được đông đảo người dân Việt Nam sử dụng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề chiến lược, kế hoạch, giải pháp và tầm quan trọng của nền tảng phát thanh số quốc gia và nền tảng truyền hình số quốc gia. Hai nền tảng số quan trọng này sẽ do Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì xây dựng để kết nối về nội dung với toàn bộ các Đài PTTH trên cả nước, tạo thành các nền tảng số cung cấp nội dung phát thanh, truyền hình mang tầm quốc gia.

Ảnh: Đại diện Đài THVN trình bày về nền tảng truyền hình số quốc gia

Một số vấn đề quan trọng cần quan tâm để nền tảng quốc gia là nơi các Đài PTTH hợp tác cùng phát triển

Nội dung của các Đài phát thanh truyền hình trên cả nước được cung cấp trên 2 nền tảng phát thanh, truyền hình số Quốc gia theo nguyên tắc đảm bảo chất lượng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Việc tham gia 2 nền tảng phát thanh, truyền hình số quôc gia này sẽ giúp các Đài phát thanh, truyền hình đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở khâu phân phối nội dung; giảm thiểu được chi phí khi tự phát triển ứng dụng dùng riêng trên Internet. Đồng thời, lượng khán giả, thính giả tiếp cận thông tin được mở rộng trên toàn quốc và ra nước ngoài với hàng chục triệu người dùng thay vì chỉ tiếp cận một lượng khán thính giả của địa phương, vùng miền như hiện nay.

Ảnh: Hình ảnh mô phỏng vị trí của các kênh truyền hình trên nền tảng truyền hình số quốc gia

Trong vài năm gần đây, sự bùng nổ của những nền tảng trực tuyến OTT, mạng xã hội đã ảnh hưởng đến các đài PTTH về khía cạnh đưa thông tin đến khán giả và doanh thu từ việc phân phối nội dung. Hầu hết các Đài đều tham gia vào việc chuyển đổi số, sử dụng nền tảng OTT để phân phối nội dung, tuy nhiên hoạt động này còn nhỏ lẻ và chưa hiệu quả. Trong khi các nền tảng như Facebook, YouTube… chiếm tới 80% doanh thu, thì các đơn vị trong nước chỉ chiếm khoảng 20% còn lại.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Đài THVN cho biết: Đài THVN hiện có kho nội dung phong phú nhất nhưng tính tới tháng 8/2022, ứng dụng VTV Go mới có hơn 27 triệu cài đặt. Trong khi Facebook có khoảng 70 triệu người dùng Việt Nam.

Do đó, các Đài cần hợp tác trong việc phát triển nội dung và các nền tảng phân phối, quản trị điều hành để các bên cùng sử dụng, khai thác nền tảng này để tiếp cận khán giả, kinh doanh và chia sẻ. Hình thành liên minh và tạo ra hệ thống thông tin chính thống của Việt Nam để cạnh tranh được với các nền tảng mạng xã hội nước ngoài.

Tại Hội thảo, lãnh đạo nhiều Đài PTTH cũng thể hiện mong muốn sớm được tham gia vào các nền tảng số quốc gia này, đồng thời kiến nghị Bộ TT&TT nghiên cứu bổ sung thêm cơ sở, căn cứ pháp lý để các Đài có thêm nguồn lực tham gia vào nền tảng.

Những việc cần triển khai và vai trò thúc đẩy của Bộ TT&TT với sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí phát thanh, truyền hình, nhất là việc phát triển các nền tảng số dùng chung có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Các Đài, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực PTTH cần phải cùng nhau chủ động thực hiện những mục tiêu cụ thể trong quá trình thực hiện chuyển đổi số bằng những hành động cụ thể thì mới có thể nhanh chóng đưa đến kết quả.

Ảnh: Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

Bộ TT&TT sẽ làm tốt phần việc của quản lý nhà nước là quản lý tốt để tạo ra môi trường lành mạnh; là tạo ra cơ chế, chính sách giúp đỡ, hỗ trợ phát triển để báo chí truyền thông, phát thanh, truyền hình theo kịp sự phát triển của công cuộc chuyển đổi số; là xây dựng các thể chế số đóng vai trò kiến tạo để phát triển số… tuy nhiên, việc quyết định quá trình chuyển đổi số thành công hay không lại nằm ở sự quyết tâm của các Đài, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực PTTH.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị, các nhà mạng viễn thông - các đơn vị có tiềm lực, có khả năng lập lại trật tự nội dung số Việt Nam, bên cạnh mô hình kinh doanh bền vững cần chú ý đến trách nhiệm xã hội; đồng hành với hệ sinh thái báo chí, PTTH để cùng nhau lớn mạnh, cùng xây dựng hệ sinh thái nội dung, không để Việt Nam mất chủ quyền trên không gian số.

Như vậy, hướng tới chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia lần thứ nhất vào ngày 10/10/2022, Hội thảo “Thúc đẩy phát triển nền tảng phát thanh số, nền tảng truyền hình số quốc gia” là một sự kiện trong chuỗi các sự kiện nhằm truyền thông rộng rãi ý nghĩa, vai trò và mục tiêu của chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy việc hình thành các nền tảng truyền thông số nói riêng.

Sự thành công của Hội thảo mở ra những động lực để để các cơ quan quản lý và các Đài, đơn vị hoạt động phát thanh, truyền hình định hướng rõ các bước đi tiếp theo trong thời gian tới./.

BBT