Dịch vụ phát thanh, truyền hình được cung cấp đến người xem qua hai phương thức quảng bá hoặc trả tiền và bằng một trong năm loại hình, gồm: dịch vụ truyền hình mặt đất, dịch vụ truyền hình cáp, dịch vụ truyền hình qua vệ tinh, dịch vụ truyền hình di động và dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet. Đến nay, dịch vụ truyền hình cáp trả tiền là một trong số loại hình dịch vụ truyền hình đã phát triển mạnh mẽ và thu hút được số lượng thuê bao đông đảo nhất.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2020 đến nay, thuê bao dịch vụ truyền hình cáp duy trì ổn định từ 11,5 triệu đến 12,9 triệu thuê bao. Năm 2024, có 20 doanh nghiệp truyền hình cáp đang tham gia thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho hơn 11,6 triệu thuê bao với doanh thu đạt xấp xỉ 6,9 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, số lượng thuê bao và doanh thu phân bố không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp truyền hình cáp, chỉ 06 doanh nghiệp quy mô lớn, cung cấp dịch vụ trên địa bàn rộng từ 07 tỉnh/ thành phố đến khắp cả nước, đã chiếm tới trên 98% thị trường dịch vụ truyền hình cáp, trong khi 14 doanh nghiệp quy mô nhỏ, cung cấp dịch vụ trên địa bàn rất hẹp, hầu hết là 01 tỉnh/ thành phố, chỉ chiếm trên 1% thị trường dịch vụ truyền hình cáp, số liệu cụ thể như biểu đồ sau:
Biểu đồ thuê bao – doanh thu dịch vụ truyền hình cáp, giai đoạn 2020 - 2024
Với kết quả kinh doanh ngày càng thu hẹp, năm 2024 đa số các doanh nghiệp truyền hình cáp quy mô nhỏ (09/14 doanh nghiệp) không thể trực tiếp thỏa thuận bản quyền với đơn vị sở hữu kênh do chi phí bản quyền quá cao so với doanh thu dịch vụ, do đó, các doanh nghiệp này không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh chương trình trên dịch vụ truyền hình trả tiền nhưng vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ bằng nội dung của doanh nghiệp truyền hình cáp lớn.
Ngày 20/12/2024, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã chủ trì tổ chức hội thảo dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 12 doanh nghiệp truyền hình cáp quy mô nhỏ, 02 doanh nghiệp truyền hình cáp quy mô lớn và 13 Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh/ thành phố liên quan để tìm phương án phù hợp giải quyết những tồn tại của các doanh nghiệp truyền hình cáp quy mô nhỏ. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã đưa ra hai lựa chọn hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đối với các doanh nghiệp truyền hình cáp quy mô nhỏ để đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng thảo luận.
Một là, doanh nghiệp tiếp tục duy trì cung cấp dịch vụ như hiện nay, doanh nghiệp phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. Đối với phương án này, doanh nghiệp có khó khăn là phải có đầy đủ thỏa thuận điểm nhận tín hiệu kênh chương trình thiết yếu quốc gia, thiết yếu địa phương và doanh nghiệp cần bố trí đủ kinh phí để chi trả tiền bản quyền đối với các kênh chương trình trong nước và nước ngoài cung cấp trên dịch vụ cũng như bố trí đủ con người và kinh phí để duy trì giám sát chất lượng dịch vụ theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định.
Hai là, doanh nghiệp trở thành kênh bán hàng cho doanh nghiệp truyền hình cáp lớn. Đối với phương án này, doanh nghiệp sẽ có thuận lợi là tiếp tục duy trì hạ tầng mạng cáp đã đầu tư tại địa phương cho hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, tiếp tục duy trì cung cấp dịch vụ truyền hình cáp đến tập khách hàng đang có và kinh doanh đúng quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ có khó khăn là không trực tiếp cung cấp dịch vụ theo Giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền đang có, mà phải đạt được thoả thuận với doanh nghiệp truyền hình cáp lớn về sử dụng hạ tầng mạng cáp và tập khách hàng của doanh nghiệp đang có. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh từ trực tiếp ký hợp đồng với thuê bao sang trở thành kênh bán hàng dưới Giấy phép và hợp đồng thuê bao của doanh nghiệp truyền hình cáp quy mô lớn và doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch để đảm bảo quyền lợi khách hàng khi thay đổi mô hình kinh doanh.
Hội thảo đã thảo luận sôi nổi về hai phương án Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đưa ra. Các doanh nghiệp tham gia đã nắm được xu thế, tình hình cung cấp dịch vụ truyền hình cáp của toàn thị trường, của các doanh nghiệp truyền hình cáp quy mô nhỏ, được định hướng, chia sẻ các lựa chọn duy trì hoạt động để đảm bảo các doanh nghiệp vừa tuân thủ quy định pháp luật vừa ổn định hoạt động kinh doanh dịch vụ trong cả trước mắt và lâu dài.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp truyền hình cáp quy mô nhỏ căn cứ tình hình thực tế tại doanh nghiệp, lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp để tiếp tục duy trì doanh nghiệp và tham gia thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở Thông tin và Truyền thông để đảm bảo các doanh nghiệp sớm hoàn thành việc thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp để tiếp tục hoạt động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.