Thứ sáu, 29/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 29/03/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ sáu, 05/05/2023

Xử lý vi phạm các nền tảng xuyên biên giới ở Việt Nam

Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 5.2023, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - đã trao đổi về vấn đề xử lý các nền tảng mạng xã hội, quảng cáo hay nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới ở Việt Nam.

Theo ông Lê Quang Tự Do, hiện nay nước ta vẫn chưa có cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các nền tảng xuyên biên giới chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Ảnh: Bộ TTTT

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong một năm qua, Bộ Thông Tin và Truyền Thông (Bộ TTTT) đã xử phạt hơn 20 công ty quảng cáo quốc tế vì vi phạm quy định quảng cáo.

Quá trình xử phạt cũng được truyền thông rộng rãi để gửi một thông điệp tới các đại lý quảng cáo và nhãn hàng tại Việt Nam về chủ trương mà Bộ TTTT đã phổ biến.

Bộ TTTT cũng đã thực hiện một loạt động thái, giải pháp để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trên các nền tảng xuyên biên giới.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng Việt Nam thuê các công ty quảng cáo quốc tế đã bị gắn hình ảnh của họ vào những nội dung bẩn, thậm chí là các nội dung phản động, chống phá nhà nước. Điều này làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh và hình ảnh của các nhãn hàng, thương hiệu. Do đó, Bộ TTTT cũng hướng lái dòng tiền quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước về đến những nền tảng sạch với nội dung sạch.

Cơ sở pháp lý gì để xử lý nền tảng xuyên biên giới?

Theo ông Lê Quang tự Do, hiện nay nước ta vẫn chưa có cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các nền tảng xuyên biên giới chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Gần đây, Bộ TTTT tham mưu chính phủ ban hành Nghị định 71/2022/NĐ-CP, bổ sung cho Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý phát thanh truyền hình.

"Lần đầu chúng ta có bộ quy định chế tài để xử lý các OTT, các nhà cung cấp phát thanh truyền hình xuyên biên không có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình tại Việt Nam", ông Tự Do nói.

Các nền tảng xuyên biên giới cung cấp các dịch vụ truyền hình trả tiền như Netflix, Apple TV, Amazon đều đã được yêu cầu đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh truyền hình trả tiền tại Việt Nam, nếu không, sẽ bị xử phạt hoặc bị cấm hoạt động.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Instagram, TikTok và các dịch vụ cung cấp nội dung khác, hiện nay vẫn chưa có quy định, chế tài xử phạt. Bộ TTTT đang nghiên cứu, tham mưu để dần dần hoàn thiện quy định pháp luật này.

Nguồn https://laodong.vn/cong-nghe/xu-ly-vi-pham-cac-nen-tang-xuyen-bien-gioi-o-viet-nam-1188453.ldo