Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Số hóa truyền hình

Thứ tư, 14/10/2015

Không thể cấp tiền để Hà Nội tự mua đầu thu số cho người nghèo


Lắp đầu thu cho người nghèo tại Điện Bàn, Quảng Nam

Tại buổi họp chiều 13/10/2015 ở Bộ TT&TT, các ý kiến thảo luận về việc lựa chọn phương thức triển khai mua sắm đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo và cận nghèo cho 4 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và các tỉnh lân cận khi thực hiện ngắt sóng truyền hình analog từ 1/1/2016 tại 4 thành phố cho thấy, không có cơ chế áp dụng để Bộ TT&TT cấp kinh phí cho Hà Nội tự mua sắm đầu thu số cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương như đề xuất của UBND TP Hà Nội mới đây.

Trước đó, tại buổi họp hôm 6/10/2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã ủng hộ đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc giao cho Hà Nội tự triển khai mua sắm đầu thu số DVB-T2 cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương. Động thái này nhằm để đồng bộ với việc triển khai mua đầu thu hỗ trợ cho các đối tượng khác theo chuẩn riêng của Hà Nội.

Tại buổi làm việc hôm 19/9, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội đã có kế hoạch và sẽ thực hiện đúng theo kế hoạch đã ban hành là hỗ trợ đầu thu cho tất cả các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn, không phân biệt chuẩn Trung ương hay địa phương.

Theo số liệu tạm tính có khoảng 107.357 hộ gia đình sẽ được nhà nước trợ cấp đầu thu nhưng nhiều khả năng con số này còn tăng hơn nữa khi Hà Nội mở rộng thêm đối tượng được trợ cấp.

Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ phần kinh phí mua đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương cho Hà Nội bằng tiền (không phải bằng đầu thu như đã thực hiện đối với Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam - PV). Lý do là Hà Nội quyết tâm sẽ triển khai xong việc trợ cấp đầu thu trong tháng 12/2015, trước ngày tắt sóng analog là 31/12/2015. Do đó, thành phố sẽ ứng vốn trước để mua đầu thu hỗ trợ cho tất các các hộ trong đối tượng cần hỗ trợ, nếu đợi Trung ương tổ chức mua đầu thu để cấp phát sẽ không còn kịp thời gian.

Tuy nhiên, theo Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 quy định phương thức hỗ trợ đầu thu truyền hình số như sau: Trên cơ sở kế hoạch và dự toán hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại các địa phương do UBND cấp tỉnh gửi, Bộ TT&TT tổng hợp, thẩm tra và phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí. Trên cơ sở kế hoạch và dự toán kinh phí này, Bộ TT&TT lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư để thực hiện và quản lý mua sắm dự án mua sắm đầu thu truyền hình số theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu.

Sau khi tổ chức đầu thầu, mua sắm xong, UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT để tổ chức phân phối đầu thu truyền hình số đúng, kịp thời và trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định. UBND cấp tỉnh cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình hỗ trợ tại địa phương.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Quyết định 1168/QĐ-TTg không cho phép Bộ TT&TT giao cho UBND cấp tỉnh làm chủ đầu tư mua sắm đầu thu từ nguồn ngân sách Trung ương, nên nếu muốn chuyển tiền để Hà Nội tự triển khai mua sắm đầu thu cần phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi thời hạn để mua đầu thu trợ cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo chỉ còn 3 tháng nữa, sẽ không kịp thời gian.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định, mặc dù rất ủng hộ ý kiến của Hà Nội là tập trung mua sắm đầu thu về một mối sẽ thuận lợi và tránh phát sinh những phức tạp không đáng có. Tuy nhiên, do không có cơ chế để thực hiện nên Bộ TT&TT sẽ vẫn áp dụng phương thức cấp đầu thu cho các đối tượng thụ hưởng theo chuẩn của Trung ương về Hà Nội, tương tự như đã làm ở Đà Nẵng. Còn UBND TP Hà Nội sẽ dùng kinh phí của địa phương tự mua sắm đầu thu hỗ trợ cho các đối tượng khác theo chuẩn riêng của Hà Nội.