Thứ bảy, 27/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ bảy, 27/04/2024 Số hóa truyền hình

Thứ năm, 19/11/2015

Quảng Nam: Đề án Số hóa truyền hình đến 2020

Theo số liệu điều tra năm 2014 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Quảng Nam có khoảng 48.000 hộ nghèo, 36.000 hộ cận nghèo. Riêng phía Bắc Quảng Nam, có khoảng 126.000 hộ có máy thu hình, trong đó có khoảng 50.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách. Đây là những hộ gia đình không có khả năng để mua sắm thiết bị đầu cuối thu xem chương trình truyền hình đã số hóa.

Hiện nay, toàn tỉnh có 01 Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và 18 Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị xã, thành phố, 02 trạm phát lại truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và 08 trạm phát lại truyền hình của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị xã, thành phố.

Để kịp thời đón đầu lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của quốc gia, Quảng Nam đã xây dựng xong Đề án: “Triền khai thực hiện Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Theo mục tiêu của Đề án, đến cuối năm 2015: 100% hộ gia đình có máy thu hình thuộc khu vực phía Bắc Quảng Nam sẽ xem được các chương trình truyền hình số.

Đến năm 2020: phủ sóng công nghệ số đến 100% khu vực dân cư của tỉnh, đảm bảo 100% hộ gia đình có máy thu hình trên địa bàn tỉnh xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T2, mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 và các phiên bản kế tiếp của các tiêu chuẩn trên theo quy định của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Từ năm 2015-2018: Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam sẽ phát sóng song song chương trình truyền hình bằng công nghệ tương tự và công nghệ số mặt đất tại khu vực đồng bằng và miền núi của tỉnh. Đến ngày 31/12/2018, chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số mặt đất trên cơ sở sử dụng hạ tầng kỹ thuật do doanh nghiệp cung cấp.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, năm 2015, Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Quảng Nam, Đài Truyền thanh - Truyền hình (TT-TH) huyện, thị xã, thành phố đang từng bước hoàn chỉnh số hóa công nghệ sản xuất chương trình, tổ chức đào tạo sắp xếp lại đội ngũ cán bộ viên chức đang công tác tại các bộ phận truyền dẫn, phát sóng.

Về ngân sách thực hiện, giai đoạn từ 2015 đến 2018 Quảng Nam dự kiến chi: 200.000.000 đồng cho việc Tuyên truyền trên Đài PT-TH Quảng Nam; 40.000.000 đồng cho tuyên truyền trên Báo Quảng Nam; 20.000.000 đồng cho biên soạn nội dung tuyên truyền và phát trên Đài TT-TH các huyện, thị xã, thành phố, Đài truyền thanh cơ sở; 40.000.000 đồng Tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; 180.000.000 đồng cho việc tuyên truyền lưu động.

Quảng Nam dự kiến kinh phí để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất theo quy định của Chính Phủ là 1.543.273.000 đồng.

Việc hỗ trợ dự kiến được thực hiện theo 2 giai đoạn:

-Giai đoạn 1 (năm 2015): tại các huyện, thị xã, thành phố phía Bắc của tỉnh bị ảnh hưởng khi Đà Nẵng ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất với kinh phí dự kiến: 17.729 hộ x 700.000 đồng/hộ = 12.410.300.000 đồng.

-Giai đoạn 2 (năm 2018): thực hiện đối với các huyện, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh với kinh phí dự kiến: 66.544 hộ x 700.000 đồng/hộ = 46.580.800.000 đồng. Tổng kinh phí 2 giai đoạn: 58.991.100.000 đồng.

Về cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng, Quảng Nam sẽ không đầu tư mới các hệ thống tương tự; chỉ bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì hoạt động trong giai đoạn chuyển tiếp đối với các máy phát tương tự hiện có. Tập trung đầu tư thiết bị sản xuất chương trình theo hướng số hóa, với mục tiêu đảm bảo chất lượng tín hiệu phát sóng tiêu chuẩn số hóa.

Thiết lập và thuê mướn đường truyền tín hiệu để phát kênh chương trình QRT lên hệ thống số VTV Đà Nẵng, hệ thống cáp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

+ Đối với các Trạm phát lại Bà Nà, Điện Ngọc khi chấm dứt phát sóng sẽ chấm dứt thuê mướn hạ tầng, thu hồi thiết bị;

+ Đối với Đài phát sóng An Hà sẽ phối hợp với các đơn vị cung cấp hạ tầng truyền dẫn đã được Bộ TT&TT cho phép (VTV, VTC, AVG) cùng nhau khai thác (Đài phát sóng An Hà còn có nhiệm vụ phát sóng phát thanh).

Các trang thiết bị hiện có sẽ được tiếp tục duy trì, đảm bảo phát sóng chương trình tương tự theo chuẩn SD trong thời kỳ quá độ. Các trang thiết bị số hóa sản xuất chương trình, truyền dẫn tín hiệu và điều khiển phát sóng theo tiêu chuẩn HD sẽ từng bước được đầu tư.

Dự toán kinh phí đầu tư trang thiết bị số hóa truyền hình cho Đài PT-TH tỉnh từ 2016-2020 là 25 tỷ đồng.

Theo lộ trình từ 2015 đến 2018, doanh nghiệp triển khai xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng số trên địa bàn Quảng Nam, từng bước ngừng phát sóng truyền hình tương tự theo từng khu vực của tỉnh, đảm bảo khi dừng hẳn truyền hình tương tự, truyền hình số mặt đất phải đảm bảo vùng phủ sóng tối thiểu bằng với vùng phủ sóng truyền hình tương tự trước đó.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền về kế hoạch số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến các Sở, Ban, ngành, các huyện, xã, thôn, cửa hàng điện máy, người dân.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức Đài tỉnh và các Đài huyện, thị xã, thành phố.

Lồng ghép, phối hợp chặt chẽ với các hoạt động tuyên truyền của trung ương, các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Về thị trường và dịch vụ: Quảng Nam thúc đẩy việc sử dụng các phương thức truyền dẫn, phát sóng khác để đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng mặt đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Thúc đẩy triển khai các dịch vụ tiên tiến trên hạ tầng số mặt đất nhằm khai thác tối đa năng lực hệ thống phát số và cạnh tranh bình đẳng phát triển với các dịch vụ truyền hình khác như truyền hình cáp, truyền hình internet và truyền hình vệ tinh.

Về tổ chức bộ máy và nguôn nhân lực:

Sắp xếp, tổ chức lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị xã, thành phố theo lộ trình số hóa với các nội dung: Không đầu tư mới các hệ thống tương tự, chỉ bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì hoạt động trong giai đoạn chuyển tiếp đối với máy phát tương tự hiện có; Từng bước sắp xếp lại nhân lực bộ phận truyền dẫn phát sóng, đào tạo cán bộ để có thể đáp ứng yêu cầu tổ chức lại bộ máy theo hướng tập trung vào sản xuất nội dung chương trình ngay sau khi kết thúc truyền hình tương tự.

Về công nghệ và tiêu chuẩn:

Áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T2, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh, âm thanh MPEG-4 và các phiên bản tiếp theo đối với các máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số. Các đầu thu chuyển đổi tín hiệu số-tương tự được cung cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải được kiểm soát về chất lượng, có thương hiệu rõ ràng và được hỗ trợ tiếng Việt để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Tất cả các tivi có kích cỡ trên 32 inch được mua bán mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải được tích hợp chức năng thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất theo chuẩn DVB-T2. Từ ngày 01/4/2015, những tivi có kích cỡ từ 32 inch trở xuống cũng phải được tích hợp chức năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB- T2. Sau thời điểm này, đảm bảo khách hàng mua tivi sẽ không cần sắm thêm đầu thu kỹ thuật số (Set-top-box) vẫn có thể thu tín hiệu truyền hình kỹ thuật số.

Trong giai đoạn tài nguyên tần số vô tuyến điện đã cạn kiệt, việc chuyển đổi số hóa giúp giải phóng được tần số, tăng số lượng kênh HD và 3D. Số hóa giúp người dân có thể xem chương trình truyền hình với chất lượng cao với chuẩn DVB-T2 là công nghệ mới với khả năng nén tín hiệu MPEG-4/H.264, mang đến chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt hơn, đồng thời giúp khắc phục hiện tượng bóng mờ, nhiễu tín hiệu của truyền hình analog - công nghệ đã xuất hiện hơn 60 năm trước. Ngoài ra còn giúp tiết kiệm chi phí, bởi với tivi  tích  hợp  sẵn chuẩn DVB-T2, người dân không cần đến đầu thu nữa. Chi phí sản xuất tivi hỗ trợ chuẩn mới cũng không tăng lên, do đó giá bán tivi không thay đổi.