Thứ bảy, 27/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ bảy, 27/04/2024 Số hóa truyền hình

Thứ hai, 25/01/2016

Tiếp tục triển khai Đề án số hóa hình mặt đất giai đoạn 2016-2018


Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo, các công tác về số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn đến 2015  gồm có: công tác thông tin tuyên truyền; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truyền hình số mặt đất; Quản lý sản xuất, nhập khẩu, lưu thông các thiết bị thu truyền hình số mặt đất; Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất đến năm 2020 và kết quả triển khai thí điểm số hóa truyền hình mặt đất tại Đà Nẵng…
 
Kết quả thực hiện số hóa truyền hình đến năm 2015
 
Đánh giá về kết quả thực hiện các công tác trong giai đoạn vừa qua cho thấy, công tác thông tin tuyên truyền đã giúp cho các địa phương và nhân dân nắm rõ được lộ trình, lợi ích khi chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất và các công việc cần thực hiện khi triển khai số hóa truyền hình mặt đất. Để triển khai công tác thông tin, tuyên truyền Bộ cũng đã ban hành các văn bản, Thông tư, tổ chức các lớp tập huấn tại các địa phương. Các đối tượng tham gia đã nhận thức khá đầy đủ lợi ích, kế hoạch và các công việc cần triển khai tại đơn vị, địa phương. Các sản phẩm thông tin tuyên truyền là các video clip, audio clip, các chuyên đề số hóa truyền hình trên báo chí cũng đã được phổ biến rộng rãi tới nhân dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương khác thông qua phát thanh truyền hình, báo chí và các hình thức thông tin tuyên truyền khác.
 
Hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật đã có hiệu lực, đảm bảo các yêu cầu quản lý của Bộ trong lĩnh vực truyền hình, đáp ứng yêu cầu của Đề án số hóa truyền hình mặt đất. Đối với kết quả sản xuất, nhập khẩu lưu thông các thiết bị truyền hình số mặt đất, trong giai đoạn 2014-2015, các doanh nghiệp đã hoàn toàn tuân thủ quy định của Bộ TT&TT, các máy thu hình được sản xuất và nhập khẩu tại Việt Nam kể từ ngày 01/04/2015 đều đã được tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2.
 
Đối với quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất, Bộ cũng đã ban hành các Thông tư 26/2013/TT-BTTTT quy định cho các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất được ưu tiên phân bổ các kênh tần số liền kề nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng tần số. Quyết định 80/QĐ-BTTTT cũng đưa ra lộ trình chuyển đổi các kênh tần số ảnh hưởng tới các kênh tần số được ưu tiên phân bổ cho đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số toàn quốc, khu vực Bắc Bộ và khu vực Nam Bộ.
 
Trong giai đoạn vừa qua, Ban chỉ đạo cũng đã quyết định ngừng phát sóng truyền hình tương tự theo nguyên tắc ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất đến đâu thì phải phủ sóng truyền hình số mặt đất các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu và thực hiện hỗ trợ đầu thu STB đến đó. Theo đó, hiện tại Đài truyền hình Việt Nam đã triển khai 16 máy phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại khu vực đồng bằng bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ, AVG phủ sóng toàn bộ khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ và 1 số tỉnh thành miền Trung. VTC đang phủ sóng truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2 tại 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, truyền tải không khóa mã.
 
Với sự quản lý và điều phối của Bộ TT&TT và sự hợp tác tích cực của VTV, AVG, VTC, SDTV, RTB và các tỉnh, thành phố, việc phủ sóng truyền hình số các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh lân cận đã cơ bản được các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện theo đúng lộ trình. Đặc biệt, với sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Ban chỉ đạo, sự phối hợp tích cực của UBND thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và VTV, việc thí điểm số hóa truyền hình mặt đất tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam đã thành công. Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên tại khu vực ASEAN ngừng phủ sóng toàn bộ truyền hình tương tự mặt đất.
 
Kế hoạch triển khai số hóa truyền hình từ nay tới 2018
 
Đối với tình hình triển khai các công việc giai đoạn từ nay tới 2018, Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo cũng cho biết, Bộ TT&TT phối hợp với UBND 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh và 19 tỉnh lân cận xác định các hộ nghèo, cận nghèo để có kế hoạch hỗ trợ đầu thu truyền hình số, dự kiến có khoảng 454.673 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn trung ương theo vùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất được hỗ trợ đầu thu STB trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dự kiến vào tháng 4/2016, sẽ hoàn thành dự án đấu thầu và triển khai thực hiện hỗ trợ và lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.
 
Để đảm bảo việc hỗ trợ cho thông tin kịp thời cho nhân dân khi thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh và 19 tỉnh lân cận, Bộ cũng đã xây dựng giải pháp thiết lập Tổng đài hỗ trợ tư vấn giải đáp thông tin về số hóa truyền hình đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho nhân dân trong thời gian tới, đồng thời tổ chức triển khai các công việc quản lý nhập khẩu các thiết bị truyền hình trên thị trường; chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực bố trí, sắp xếp truyền tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền; Tổ chức cấp phép cho doanh nghiệp thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Bộ…
 
Báo cáo tình hình phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại Bắc Bộ, đại diện Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng RTB cho biết, hiện tại kênh tần số 49 đã phát rộng và hoạt động khá ổn định. Dự kiến tới ngày 31/1/2016, công ty cũng sẽ thiết lập mạng đơn tần cho kênh tần số 48 và ngày 31/3/2016 sẽ lắp thêm 5 trạm phát sóng phủ được 80% của 14 tỉnh Bắc Bộ. Đến tháng 4/2016 sẽ lắp đặt thêm 4 trạm phát sóng, phủ sóng hoàn toàn 100% của 14 tỉnh, theo đó các vùng lõm bù sẽ được hoàn thành vào 31/12/2016. Như vậy đến thời điểm hiện tại, RTB đã hoàn thành giai đoạn 2 do Bộ giao nhiệm vụ cho RTB…
 
Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo Trung tâm Thông tin - Bộ TT&TT cho biết, do chưa có kinh phí được cấp triển khai xây dựng Cổng Thông tin về số hóa truyền hình nên Trung tâm tạm xây dựng chuyên trang Đề án số hóa truyền hình mặt đất trên Cổng TTĐT của Bộ, hiện nay chuyên trang được cập nhật đầy đủ tin bài, video cip, audio clip liên quan đến lộ trình số hóa, chủ trương chính sách và tình hình triển khai, thực hiện số hóa truyền hình trong thời gian qua. Liên quan đến Tổng đài hỗ trợ giải đáp thắc mắc về số hóa truyền hình, đại diện lãnh đạo Trung tâm Thông tin cũng kiến nghị với Thứ trưởng Phan Tâm về kinh phí hỗ trợ thực hiện xây dựng Tổng đài và Cổng Thông tin số hóa truyền hình trong thời gian tới để hoàn thành nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ giao cho Trung tâm.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện cần tập hợp các ý kiến góp ý  từ các đơn vị liên quan, xây dựng hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án để có thể trình lãnh đạo Bộ và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Trung tâm Thông tin, Viện Chiến lược TT&TT cần phối hợp thực hiện xây dựng đề án thông tin tuyên truyền cho giai đoạn sắp tới. Đối với việc xây dựng Tổng đài tư vấn giải đáp, Trung tâm Thông tin chủ trì xây dựng phương án thiết lập, phối hợp với Cục Viễn thông, các doanh nghiệp truyền hình để hoàn thiện các nội dung trình lãnh đạo Bộ trong thời gian sớm nhất.
 
Đối với thời điểm tắt sóng ở các tỉnh, thành phố trong giai đoạn sắp tới, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần chú ý,  xem xét cân nhắc thời điểm tắt “cứng” và tắt “mềm” sao cho việc đảm bảo nhu cầu thông tin thiết yếu đến với mọi người dân trên mọi miền Tổ quốc.
 
Đối với việc hỗ trợ STB cho các hộ nghèo, cận nghèo, để đảm bảo, Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo Qũy dịch vụ viễn thông công ích cần tích cực thực hiện thủ tục triển khai dự án, lựa chọn nhà thầu để hoàn thành dự án đấu thầu và triển khai thực hiện hỗ trợ lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo theo đúng kế hoạch, lộ trình. Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cần có kế hoạch thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu TV và STB lưu thông trên thị trường tại các tỉnh, thành phố đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn./.