Các nền tảng dịch vụ truyền hình trên mạng Internet (dịch vụ truyền hình OTT) xuyên biên giới như Netflix, Disney, Hotstar và Amazon Prime sẽ phải tuân thủ cơ chế phân loại nội dung theo độ tuổi, đây là một trong các quy định bắt buộc của Bộ quy tắc về đạo đức áp dụng đối với các hoạt động sản xuất, cung cấp nội dung trên mạng Internet cho người dân Ấn Độ.
Bộ quy tắc nêu trên được ban hành bởi Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ quy định tất cả các nội dung được truyền tải, xuất bản hoặc trình chiếu bởi các nền tảng dịch vụ truyền hình OTT sẽ được phân loại dựa trên thể loại nội dung. Cơ chế phân loại độ tuổi được chia làm 5 mức:
Mức 1 – Phù hợp cho mọi lứa tuổi (Universal) Mức 2 – Phù hợp từ 7 tuổi trở lên (U/A 7+) Mức 3 – Phù hợp từ 13 tuổi trở lên (U/A 13+) Mức 4 – Phù hợp từ 16 tuổi trở lên (U/A 16+) Mức 5 – Phù hợp cho người trưởng thành (Adult) |
Theo quy định mới tại Bộ quy tắc, các nội dung trên các nền tảng dịch vụ truyền hình OTT sẽ phải cân nhắc trước khi phát sóng đảm bảo rằng “Nội dung phải được thực hiện biên tập một cách kỹ lưỡng và thận trọng căn cứ vào tác động của nội dung đó đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ và nguy cơ đe doạ, khả năng kích động bạo lực hoặc gây rối trật tự công cộng gây nguy hiểm cho an ninh, gây bất lợi cho quan hệ hữu nghị của Ấn Độ với các quốc gia trên thế giới”
Việc phân loại nội dung theo quy định của Bộ quy tắc sẽ yêu cầu nội dung được sắp xếp dựa trên chủ đề và thông điệp cơ bản mà nội dung đó truyền tải. Các nội dung có thông điệp truyền tải mang khuynh hướng bạo lực, có ngôn từ và hình ảnh khiêu dâm, khuyến khích việc sử dụng chất kích thích và có hình ảnh kinh dị sẽ phải hiển thị cảnh báo dành cho người xem nội dung này một cách dễ nhận biết nhất.
Theo Ông Prakash Javandekar, Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin Ấn độ, việc phát sóng nội dung trực tuyến của nội dung được phân loại từ mức U/A 13+ trở lên phải đảm bảo có cung cấp tính năng kiểm soát quyền truy cập, bao gồm việc cho phép phụ huynh khoá truy cập đối với nội dung đó, ví dụ như hạn chế quyền truy cập của trẻ em đối với các nội dung được phân loại dành cho người lớn. Việc thực hiện cơ chế kiểm soát nội dung cũng để cải thiện việc truy cập các nội dung trực tuyến dành cho người khuyết tật.
Bộ quy tắc cũng trực tiếp yêu cầu các nhà sản xuất nội dung trước khi cung cấp trên dịch vụ cần cân nhắc về sự đa dạng chủng tộc và tôn giáo của Ấn Độ và thực thi một cách thận trọng khi lồng ghép các hoạt động tín ngưỡng hoặc góc nhìn của bất kỳ chủng tộc hay nhóm tôn giáo nào tại Ấn Độ.
(Lược dịch theo trang: timesofindia.indiatimes.com)