Thứ tư, 24/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ tư, 24/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ sáu, 13/11/2020

Giải pháp quản lý trò chơi trực tuyến, đảm bảo giữ gìn truyền thống văn hóa, góp phần định hướng giá trị đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

Thời gian qua, thị trường trò chơi điện tử trên mạng (game online) đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, số lượng game được cấp phép và phát hành tại thị trường Việt Nam tăng theo hàng năm; các trò chơi mới được bổ sung thêm nhiều thể loại, đa dạng về cách chơi và phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ tới người trưởng thành. Nhiều trò chơi điện tử giúp giải trí, gắn kết bạn bè, tăng kỹ năng nhận thức, trí não; thậm chí còn được đánh giá là môn thi đấu thể thao bổ ích.

Ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ

Trò chơi điện tử trên mạng hiện nay đang được xếp vào là một trong những ngành công nghiệp nội dung số có hàm lượng trí tuệ cao, mang lại lợi nhuận lớn, tạo việc làm cho nhân lực ngành công nghệ thông tin, thu hút lao động, đóng góp kể cho ngân sách nhà nước.

Năm

2014

2015

2016

2017

2018

Doanh thu (triệu USD)

233

216

300

365

322

Đóng góp GDP (%)

0,12

0,11

0,14

0,16

0,13

Đóng góp vào tổng doanh thu ngành công nghiệp nội dung số (%)

40,5

33,8

40,5

45,6

35,9

Số lao động trong ngành (người)

5000

7000

8600

11000

22617

Bảng Tổng hợp số liệu ngành Game Online tại Việt Nam trong giai đoạn 2014-2018

Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh các trò chơi đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định và cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đều có nội dung phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành thì vẫn còn tồn tại khá nhiều trò chơi điện tử không phép, trò chơi biến tướng đổi thưởng, có dấu hiệu cờ bạc được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua chủ yếu là từ các kho ứng dụng của Google và Apple. Phần lớn các game này đều có chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực hoặc xuyên tạc lịch sử, chủ quyền đất nước… gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý người chơi, đặc biệt là đối với thế hệ HS, SV.

Giải pháp ngăn chặn tác động xấu của game không phép đối với xã hội

Nhận thức rõ các nguy cơ tiềm ẩn, ngoài việc gây tác động xấu đối với xã hội, tình trạng game không phép còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nêu trên, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện môi trường pháp lý trong cơ chế quản lý ngành công nghiệp game, trong đó đã cụ thể hóa các quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bao gồm:

+ Quy định rõ điều kiện để được phát hành 01 trò chơi điện tử hợp pháp ra thị trường;

+ Cấm các trò chơi bất hợp pháp từ máy chủ đặt tại nước ngoài cung cấp vào Việt Nam;

+ Ngăn chặn việc nhập khẩu, in và cài đặt các đĩa trò chơi bất hợp pháp;

+ Phân loại trò chơi: Tùy theo nội dung kịch bản, trò chơi được phân loại theo độ tuổi gồm 00+, 12+ và 18+. Việc phân loại trò chơi nhằm giúp người chơi lựa chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi;

+ Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng trong việc quản lý chặt chẽ độ tuổi người chơi và giới hạn giờ chơi;

+ Yêu cầu người chơi phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định của Bộ Công an và lựa chọn các trò chơi điện tử trên mạng phù hợp với độ tuổi theo quy định;

+ Thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành: Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm kiểm soát hiệu quả hơn nội dung, kịch bản trò chơi trước khi phát hành, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Hội đồng tư vấn thẩm định hoạt động theo nguyên tắc: Xem xét, thẩm định những trò chơi có nội dung giải trí thuần túy, nội dung, kịch bản trò chơi không có yếu tố phức tạp về chính trị, dâm ô, đồi trụy, trong đó ưu tiên các trò chơi có tính giáo dục, trò chơi do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất; việc thẩm định được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng; chỉ thẩm định đối với các hồ sơ đạt yêu cầu về nội dung, trong đó ưu tiên hồ sơ của các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong việc phát hành trò chơi trực tuyến.

Hiện nay, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trò chơi điện tử sản xuất, phát hành các trò chơi phù hợp với văn hóa, lịch sử người Việt,  phục vụ nhu cầu của người chơi trong nước và thuần Việt.

Ngoài ra, Bộ cũng đã thường xuyên chỉ đạo và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, trực thuộc thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh điểm truy nhập Internet công cộng và trò chơi điện tử công cộng; chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trò chơi điện tử trên mạng, rà soát, bảo đảm phát hành các trò chơi theo đúng nội dung, kịch bản đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý nội dung game và về thanh toán.

Thứ hai, trong những năm vừa qua, Bộ đã và đang thiết lập cơ chế phối hợp với các đơn vị có liên quan như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương,... tăng cường kiểm soát, nhắc nhở, xử lý theo thẩm quyền đối với một số doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng có dấu hiệu cờ bạc, đổi thưởng, cung cấp game không phép....Hiện nay, công tác phối hợp đang được các bên duy trì, đảm bảo quản lý tốt và toàn diện hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng.

Thứ ba, thiết lập cơ chế phối hợp, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam (như Google, Apple, Facebook) chặn, gỡ các game vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.

Từ năm 2017 đến nay, Bộ đã thiết lập cơ chế làm việc và đề nghị Google, Apple, Facebook gỡ bỏ các game không phép, game có nội dung vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng của Apple, Google, Facebook,

Kết quả, đến thời điểm hiện nay có 86/111 trò chơi điện tử không phép, game cờ bạc, bạo lực,... đã được gỡ khỏi kho ứng dụng của Apple, Google; có 215 link trên Facebook quảng cáo game bài cũng đã được Facebook gỡ bỏ 100%  sau 48 giờ Bộ gửi yêu cầu.

Hiện nay, Bộ đang tiếp tục đấu tranh, yêu cầu các doanh nghiệp Google, Apple hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các game không phép, các game có yếu tố cờ bạc, bạo lực, dung tục cung cấp trên kho ứng dụng của Apple và Google; không quảng cáo trên mạng xã hội Facebook; đề nghị các doanh nghiệp Google, Apple nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cung cấp game trên các nền tảng ứng dụng của các hãng này.

Ngoài các biện pháp đã và đang thực hiện trên, Bộ TTTT cũng đang thực hiện công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành game nhằm ngăn chặn và yêu cầu phải tuân thủ quy định về hoạt động quản lý, cung cấp và đối tượng sử dụng dịch vụ game online. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để người sử dụng khai thác được những mặt tích cực, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của trò chơi điện tử trên mạng. 

BBT