Thứ bảy, 20/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ bảy, 20/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ sáu, 03/03/2023

Kỳ cuối: Chỉ xóa, gỡ thông tin xấu độc là chưa đủ

PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khi công chúng được đáp ứng kịp thời thông tin chính thống, họ sẽ có ‘kháng thể’ để tự phòng chống thông tin xấu độc trên môi trường mạng.

Lời tòa soạn: Không gian mạng là phương tiện nhiều lợi thế kết nối vạn vật. Ngoài những thế mạnh vượt trội cho nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển, tiến bộ,  những ưu thế này cũng bị kẻ xấu lợi dụng triệt để phát tán những thông tin sai, xấu, độc. Hành động có trách nhiệm trên mạng là cách mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ mình, tôn trọng người khác và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tuân thủ luật pháp.

VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Đỗ Chí Nghĩa về những giải pháp xử lý các thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Nâng chế tài xử phạt là cần thiết

Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng thông tin xấu độc xuất hiện trên không gian mạng hiện nay?

Cả về công nghệ và môi trường xã hội hiện nay đều thuận lợi cho không gian mạng phát triển. Trên mạng có thông tin tốt, bổ ích, nhưng cũng có rất nhiều thông tin xấu độc, không chuẩn xác ở các mức độ khác nhau.

Đặc biệt là những thông tin xấu độc liên quan đến tin tức thời sự, mỗi khi có dịp lại xuất hiện rất nhiều và được dư luận quan tâm. Sự nguy hiểm của loại thông tin này là thật giả pha trộn với nhau, khiến người tiếp cận rất khó phân biệt.

Thậm chí, nhiều người còn chủ động lan truyền thông tin đó qua nhiều dạng khác nhau để cộng đồng mạng cùng bàn luận, suy diễn.

Cho nên tác hại của thông tin xấu độc này không dừng lại trên mạng xã hội, mà nó còn ảnh hưởng đến nhận thức của mỗi cá nhân. Điều đó khiến cho thông tin đã xấu càng xấu hơn, đã độc càng độc hơn và đã lan xa thì lại càng xa hơn.

Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Lực lượng chức năng đã xử lý rất nhiều trường hợp đưa tin xấu độc trên không gian mạng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Theo ông, liệu có phải do các chế tài xử lý người vi phạm chưa đủ sức răn đe? 

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tăng mức xử phạt lên để có sức răn đe, ít nhất ngang mức trung bình các nước trong khu vực. Bởi hiện nay, dù chúng ta đã tăng mức xử phạt lên 3 lần, nhưng so với các nước khu vực thì mức phạt chỉ bằng 1/10.

Rõ ràng, việc nâng chế tài xử phạt người đăng thông tin xấu độc trên mạng là cần thiết. Đơn cử như việc chúng ta nâng mức xử phạt và ra quân xử lý nghiêm người uống rượu bia khi tham gia giao thông thì rõ ràng đã và đang tạo chuyển biến về ý thức của rất nhiều người. Điều đó cho thấy, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ‘sức đề kháng’ công dân thì việc tăng mức xử phạt là rất đúng.

Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh việc xử phạt răn đe đó đừng có trở thành kênh PR cho một số đối tượng vi phạm. Chúng ta có thể nâng mức xử phạt lên đến 50 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng cho hành vi vi phạm, nhưng nhiều người muốn nổi tiếng thì mức phạt cao hơn cũng không là gì. Có những “anh hùng mạng” sẵn sàng làm mọi việc để được nổi tiếng và nguồn lợi thu được vì “có tiếng” trên mạng là không nhỏ.

Do vậy, tốt nhất là phải xử thật nghiêm nhưng tuyệt đối không nhắc đến tên, tuổi, địa chỉ của người vi phạm, trừ trường hợp xử lý hình sự để làm gương.

Tăng “sức đề kháng” là giải pháp căn cơ

Theo ông, cần có giải pháp cụ thể nào để hạn chế tối đa thông tin xấu độc lan truyền, phát tán trên không gian mạng?

Trước hết, phải khẳng định việc gỡ, xóa tài khoản, trang thông tin xấu độc là rất cần thiết. Chúng ta đã rất nỗ lực và làm được nhiều việc theo hướng này.

Nhưng nếu như chỉ tập trung vào giải pháp xóa, gỡ thông tin xấu độc là chưa đủ. Bởi vì để gỡ bài hoặc khóa tài khoản trên mạng xã hội thì mất nhiều công sức, còn để chứng minh họ đưa thông tin sai, vi phạm đủ cơ sở xử lý còn vất vả hơn. Thời gian để kéo dài như vậy thì thông tin xấu độc đã lan rất xa, ngấm vào đầu rất nhiều người.

Đã đến lúc, phải xử lý thông tin xấu độc theo phương châm từ sớm, từ xa, làm trên thế chủ động một cách mạnh mẽ. Chẳng hạn, cần phải đề cập thẳng vào những thông tin công chúng có nhu cầu tìm hiểu, đừng ngại thông tin nhạy cảm. Khi công chúng đọc những thông tin trái chiều trên mạng thì báo chí cũng phải kịp thời đăng những thông tin chính thống để họ có kênh kiểm chứng. 

Còn về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất chính là nâng cao sức đề kháng trong mỗi cá nhân, để họ tự miễn dịch với thông tin xấu độc. Để làm được điều đó, phải dựa vào văn hóa, lấy văn hóa làm điểm tựa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”… Chúng ta phải tận dụng sức mạnh văn hóa, xây dựng nền tảng văn hóa, ứng xử văn hóa, thích ứng văn hóa, hướng tới sự tích cực, lành mạnh là giải pháp căn cơ, bền vững ngăn chặn thông tin xấu độc.

Hướng dẫn nhận biết tin giả. Nguồn: Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam

Mặt trận toàn dân

Nếu chỉ dựa vào lực lượng chức năng thì khó hạn chế, ngăn chặn thông tin xấu độc. Nếu huy động toàn dân tham gia thì dễ nói, khó làm. Theo ông, nên xử lý vấn đề này thế nào cho hài hòa, khả thi và hiệu quả?

Nói đến trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xử lý thông tin xấu độc là đúng, nhưng Bộ TT&TT phải chịu trách nhiệm chính, là cơ quan chủ lực trong việc này.

Có cả trăm triệu tài khoản trên mạng xã hội trong khi Bộ TT&TT và các Sở TT&TT không đủ nhân lực để xử lý hết thông tin xấu độc. Do vậy, ngành TT&TT phải tư vấn cho Chính phủ đưa ra giải pháp để kéo cả xã hội cùng tham gia.

Tuy nhiên, nếu áp dụng chiến lược ‘Zero Covid-19’ trong phòng chống thông tin xấu độc thì sẽ không thành công. Vấn đề là chúng ta phải chủ động đưa thông tin từ sớm, phản bác thông tin sai trái, nêu quan điểm rõ ràng, thẳng thắn. Không nên chỉ khen một chiều, thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Điều đó có nghĩa là khi đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng thì họ sẽ có ‘kháng thể’ để tự phòng chống thông tin xấu độc.

Chúng ta phải tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và khuyến khích báo chí đi thẳng vào những vấn đề nóng, nhưng thông tin phải có sức thuyết phục và có khả năng định hướng.

Tôi cũng mong Chính phủ, Bộ TT&TT căn cứ Nghị quyết phiên chất vấn của Quốc hội, có những giải pháp thiết thực, hiệu quả và đồng bộ để thực sự làm chuyển biến tình hình. Chúng ta cần chống thông tin xấu độc trên thế mạnh, sự chủ động chứ không thể bị động và chạy theo vì như thế khó đạt hiệu quả.

Mỗi cá nhân cần tỉnh táo hơn, chọn lọc thông tin phù hợp khi tham gia vào không gian mạng. Tiếp nhận thông tin phải bản có bản lĩnh, trách nhiệm. Có như vậy, thông tin xấu độc mới không còn đất sống trên không gian mạng.

Thực tế hiện nay, nhiều người đang tìm cách thoát ly môi trường mạng bằng kỳ nghỉ không internet, tắt điện thoại cả tuần về vùng nông thôn sống hay khôi phục lại văn hóa đọc… Sự thích ứng là của mỗi cá nhân, các cơ quan có trách nhiệm cần tạo môi trường pháp lý, môi trường truyền thông phù hợp, vun đắp nền văn hóa dân tộc, hướng con người vào cái tốt, vào tinh thần nhân văn để có kháng thể chống lại cái xấu, cái độc cả trong môi trường mạng và trong đời sống bình thường. Nếu luôn chủ động trên thế mạnh, lấy tấn công làm phòng thủ, tôi tin việc chống thông tin xấu độc sẽ có chuyển biến mạnh mẽ và không quá vất vả!

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả

Trước thực trạng tin xấu, tin độc xuất hiện trên không gian mạng ngày một tinh vi, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, Cục đã phối hợp với các cơ quan khác của Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường trực chiến, dùng công cụ kỹ thuật kết hợp nhân lực để rà quét, phát hiện.

“Chúng tôi cũng yêu cầu dưới 12 giờ các nền tảng phải xử lý những thông tin xấu, độc. Hiện yêu cầu đều được các nền tảng cam kết trực chiến, thực hiện để ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật và vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Với những tài khoản tung tin giả với số lượng lớn sẽ bị khoá kênh. Song song đó, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an cũng xử lý nghiêm các đối tượng ngoài đời thật tung tin giả”, ông Lê Quang Tự Do cho hay.  

Ông Lê Quang Tự Do cũng cho rằng, các cơ quan báo chí cần lan toả thông tin tích cực, kết quả công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, phản ánh kịp thời công cuộc phát triển đất nước để người dân có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.  

Về mặt quản lý, ông Lê Quang Tự Do cho biết, cuối năm 2022, Bộ TT&TT đã phát hành cẩm nang phòng chống tin giả. Người dân có thể tải xuống từ địa chỉ: www.abei.gov.vn.

Nguồn https://vietnamnet.vn/chi-xoa-go-thong-tin-xau-doc-la-chua-du-2114463.html