Thứ sáu, 29/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 29/03/2024 Thông tin điện tử

Thứ năm, 30/03/2023

Lo bảo hộ ngược, doanh nghiệp đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Các doanh nghiệp game cho rằng lợi nhuận của ngành không cao, cũng như nếu đánh thuế sẽ có khả năng bảo hộ ngược cho các dịch vụ xuyên biên giới.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối tượng chịu tác động về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự án luật đề nghị đưa dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo dự thảo luật, trò chơi điện tử trên mạng (game online) là loại hình giải trí gắn với sự phát triển của Internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và người chơi với máy chủ của doanh nghiệp qua máy tính cá nhân, máy chơi game, thiết bị di động.

Ngoài game online do doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, người chơi hiện nay cũng có thể chơi các game do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào Việt Nam và thanh toán qua cổng thanh toán, thẻ cào điện thoại, thanh toán trực tiếp qua ngân hàng, thẻ tín dụng.

Bộ Tài chính đánh giá ngành này có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết nghiên cứu tính thuế tiêu thụ đặc biệt với game online để định hướng tiêu dùng.

Xoá định kiến

Tại Hội thảo Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về Đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI nhận định trong xã hội hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online. Trong đó vẫn có những định kiến, cũng như các lo ngại tác động tiêu vực với game online: Mất thời gian, ảnh hưởng đến trẻ em, ít vận động…

Tuy nhiên theo ông Tuấn, nhiều game online hiện nay đang được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng tư duy, khả năng phản xạ…

"Do vậy cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online", ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm

Liên quan đến đề xuất đánh thuế trong dự thảo luật, ông Đậu Anh Tuấn cho biết qua tìm kiếm thì chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Các nước có đánh thuế với thu nhập của người chơi có được từ game online như: Mua bán tài sản ảo, chơi game có thưởng phát sinh thu nhập…

Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG cho rằng đang có nhiều định kiến với ngành game

Cùng quan điểm với Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG cho biết ngành game tại Việt Nam đang chịu nhiều định kiến xã hội.

Theo ông Thắng, cũng giống như phim ảnh, nghệ thuật, trò chơi trực tuyến cũng là một phần của ngành công nghiệp giải trí, sáng tạo nội dung. Ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và nhiều nước khác, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn đề xuất khẩu văn hoá ra thế giới. 

Nhưng ở Việt Nam, trong suốt nhiều năm qua, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí – sáng tạo nội dung số khác.

Đại diện VNG nhấn mạnh tại Việt Nam, game là 1 ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn phát hành chính thống đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng.

"Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam", ông Lã Xuân Thắng nhấn mạnh.

Lợi nhuận không lớn

Liên quan đến quan điểm ngành game có lợi nhuận cao nêu trong dự thảo Luật, ông Lã Xuân Thắng cho biết tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt khoảng 3-5% trong doanh thu. Ông Thắng đánh giá đây là mức tỷ suất lợi nhuận trung bình, nếu không muốn nói là thấp so với nhiều ngành nghề.

Cùng quan điểm với ông Lã Xuân Thắng, theo bà Nguyễn Thuỳ Dung, Giám đốc SohaGame, đa số các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trong ngành có mức doanh thu tương đối với lợi nhuận thấp, đặc biệt trong giai đoạn những năm 2021 đến nay.

Các doanh nghiệp cho rằng ngành game có lợi nhuận không cao

Theo bà Dung, phần lớn các trò chơi trên thị trường Việt Nam đều được các doanh nghiệp trong nước nhận bản quyền từ các nhà phát triển trò chơi nước ngoài để phát hành. Theo đó, doanh nghiệp trong nước cần chi trả các chi phí bản quyền và chia sẻ doanh thu cho các nhà phát triển nước ngoài với tổng tỷ lệ từ 25 – 35% doanh thu.

Ngoài ra, doanh nghiệp trong ngành tự mình chi trả các khoản liên quan đến phát hành và duy trì dịch vụ tại Việt Nam như: chi phí xúc tiến thương mại, quảng cáo, phí dịch vụ…

Bên cạnh đó, Phần lớn các dự án trò chơi được phát hành đều cần tối thiểu một năm để hòa vốn trước khi có lãi.

"Trên thực tế, lợi nhuận sau khi trừ chi phí thu được không hề lớn trong điều kiện kinh doanh thuận lợi", đại diện SohaGame thông tin.

Tránh bảo hộ ngược?

Góp ý thêm về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp phát triển game triển khai tại Việt Nam phải tuân thủ nhiều thủ tục hành chính, giấy phép, nghĩa vụ nộp thuế (VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu). Tuy nhiên theo ông Cường, hiện chúng ta chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để quản lý các dịch vụ xuyên biên giới.

"Các doanh nghiệp trong nước đang chịu nhiều thiệt thòi so với các dịch vụ xuyên biên giới", ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Tràn Trọng Kiên - Công ty Gosu, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho game online sẽ là một hình thức bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp game nước ngoài. Cùng như đi lêch với định hướng khuyến khuyến và những chính sách ưu tiên đã được xác định tại Nghị định 71 ban hành vào năm 2007.

"Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh phần mềm; sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số được hưởng chế độ ưu đãi về thuế theo quy định của luật thuế và ưu đãi trong việc sử dụng đất...", đại diện Công ty Gosu trích dẫn Nghị định 71.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam lo ngại nguy cơ bảo hộ ngược trong trường hợp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Theo thống kê của Data.ai, trong số 10 tựa game có số lượng người chơi lớn nhất tại Việt Nam thì có hơn một nửa số này được cung cấp bởi nhà phát hành có trụ sở nước ngoài, tức là không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào, bao gồm thuế, với Việt Nam chúng ta.

Đại diện VNG cho biết trong trường hợp bị áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì những game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn hẳn.

Tượng tự bà Nguyễn Thuỳ Dung, Giám đốc SohaGame nhấn mạnh, nhu cầu giải trí của con người không bao giờ mất đi, mà sẽ dịch chuyển sang các khu vực có chị phí sử dụng thấp hơn. Nếu chính sách thuế được áp dụng, người dùng chuyển sang sử dụng các trò chơi không phép với chi phí thấp. 

"Chính sách này có thể gián tiếp khuyến khích người dùng sử dụng trò chơi không phép", bà Dung phân tích.

Còn theo đại diện Công ty Gosu, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt có thể khiến các nhà đầu tư không còn mặn mà trong việc đầu tư vào các công ty sản xuất game. Từ đó kìm hãm sự phát triển, doanh thu giảm... sẽ khiến các công ty game cắt giảm nhân sự, làn sóng sa thải người lao động.

Cần làm rõ mức độ tác động

Góp ý về tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực - Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng dự thảo luật cần làm rõ hơn việc có nên can thiệp bằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Ông Hiếu cho rằng cần làm rõ thông qua các bằng chứng khoa học, bằng chứng thực tế mối nguy hoại của game online với người chơi.

"Không nên đánh đồng tất cả game online đều nguy hại. Khi cần thiết mới nên đánh thuế, nếu không thì nên sử dụng các biện pháp hành chính", ông Hiếu nêu quan điểm.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực - Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng cần làm rõ tác động của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Trong trường hợp áp thuế, ông Hiếu cho rằng cần làm rõ hiểu quả của việc thu thuế cũng như giảm tác hại của game với người chơi.

"Mục tiêu của việc hạn chế nghiện game là cần thiết nhưng ngoài biện pháp thuế ra còn biện pháp nào tốt hơn, rẻ hơn, ít tác động hơn, cũng như thúc đẩy ngành game phát triển nào không?", ông Phan Đức Hiếu đặt câu hỏi.

Theo ông Hiếu có thể điều chỉnh hành vi tiêu dùng có thể thông qua việc kiểm soát nội dung. Bên cạnh đó cũng cần có giải pháp tăng thu thuế với những đối tượng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới

Nguồn https://vtv.vn/kinh-te/lo-bao-ho-nguoc-doanh-nghiep-de-xuat-khong-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-game-online-20230330115025234.htm