Thứ năm, 25/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 25/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ tư, 29/03/2023

Ngành game Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển

Ông Thái Thanh Liêm - CEO của Topebox cho biết nếu được khích lệ và hỗ trợ bởi nguồn vốn cần thiết để khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp game Việt Nam sẽ tự tin đặt trụ sở tại Việt Nam, tạo ra nhiều game chất lượng cho cộng đồng, cũng như đóng góp vào ngân sách.

Ông Thái Thanh Liêm nhìn nhận ngành game Việt Nam có triển vọng phát triển mạnh mẽ, nếu nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Đăng

Topebox là một trong những studio game hiếm hoi có trụ sở công ty đặt tại Việt Nam. Họ tự sản xuất hơn 80 game, phát hành khắp thế giới, có nhiều game đứng đầu các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… mang về doanh thu lớn, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Lao Động có cuộc trao đổi với ông Thái Thanh Liêm về tiềm năng của những nhà phát triển game Việt Nam, đặc biệt về triển vọng hoạt động kinh doanh ở trong nước.

Tại thị trường Việt Nam, hầu hết game được chơi nhiều đều có nguồn gốc từ nước ngoài, không có những game do người Việt Nam làm, ông nghĩ sao về điều này?

- Thực ra, ngành game Việt Nam không thiếu những sản phẩm đứng đầu các thị trường lớn như Mỹ, Nhật nhưng cho đến nay, quy mô vẫn là ở phân khúc Hyper-Casual (game có dung lượng nhẹ, cơ chế đơn giản, thiết kế tối giản...). Lý do bởi ngành game Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, chưa thể có đủ nội lực để đầu tư nhiều hơn vào những dự án như midcore, hardcore (game có độ khó cao) hay AAA (game được đầu tư với kinh phí rất cao).

Tuy nhiên, tư duy chơi game và khẩu vị của game thủ Việt Nam thì lại vượt hơn năng lực hiện tại của ngành phát triển game. Mọi người cũng có thể thấy, Việt Nam là một trong những thị trường lớn, với đội ngũ chơi game đông đảo và có ý thức cộng đồng rất cao. Do kiến thức chơi game rất tốt nên game thủ Việt Nam dễ dàng đánh giá và chọn lựa những tựa game có chất lượng để chơi, điều này sinh ra một số bất lợi cho game đến từ Việt Nam.

Nhưng tôi nghĩ, khó khăn này cũng là khó khăn trong ngắn hạn, với sự thúc đẩy của chính phủ và những nhà phát triển/phát hành game ở Việt Nam trong thời gian tới, tôi tin chắc là sẽ có những tựa game “made in Việt Nam” chất lượng phục vụ cho riêng người Việt Nam.

Bên trong nơi làm việc của Topebox, đơn vị được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao về đóng góp cho ngành game Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đăng

Ngành game tại Việt Nam có doanh thu lớn, tạo ra thu nhập ổn định cho các lao động. Ảnh: Nguyễn Đăng

Một trong những vấn đề lớn của ngành game là tạo ra doanh thu lớn, nhưng Nhà nước không thu được thuế, do công ty đăng ký kinh doanh tại Singapore. Topebox đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không gặp vấn đề này. Nhưng theo ông, làm thế nào để các đơn vị làm game mạnh dạn đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, tạo nên sức bật cho ngành, cũng như đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước?

- Thay vì chạy theo cơ hội kiếm tiền, chúng tôi muốn chứng minh năng lực sáng tạo của người Việt. Thay vì chạy theo lợi nhuận, chúng tôi muốn chạy theo hướng phát triển ngành game ở Việt Nam. Để có được doanh thu lớn cần một tầm nhìn dài hạn, chúng tôi tin vào việc sẽ là một trong những đơn vị tiên phong trong việc mang lại doanh thu lớn từ quốc tế về cho nước nhà với đẩy đủ nghĩa vụ thuế.

Với hiện trạng hiện nay của ngành, tôi cũng hy vọng phía ban ngành nhìn sâu vào những vướng mắc mà các doanh nghiệp làm game đang gặp phải, để có thể tháo gỡ.

Cụ thể như thế nào thưa ông?

- Đầu tiên là về tỉ lệ lợi nhuận của các doanh nghiệp làm game. Phần lớn game Việt Nam ở thị trường thế giới đang chú trọng kiếm tiền bằng quảng cáo. Mô hình này không bền, rủi ro cao và lợi nhuận thấp nên dẫn đến việc tối ưu về chi phí thuế của phần lớn các doanh nghiệp game để duy trì sản xuất.

Thị trường game của Việt Nam là thị trường già, nhưng ngành phát triển game lại còn non trẻ. Nếu cả nhà làm game có nhiều cơ hội làm thử, sai để rút kinh nghiệm cho sản phẩm sau thành công thì ngành phát triển game của Việt Nam sẽ tiến rất xa. Nếu nhận được sự hỗ trợ cần thiết, tôi tin là sẽ có nhiều doanh nghiệp game đăng ký kinh doanh tại Việt Nam hơn.

Vấn đề khác là vốn. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam được khích lệ và hỗ trợ bởi nguồn vốn cần thiết để khởi nghiệp, cho các bạn trong ngành được thử và sai, tôi tin sẽ có nhiều doanh nghiệp phát triển rực rỡ trong tương lai, đóng góp lớn vào ngành game tại Việt Nam.

 - Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tại Hội nghị kết nối mở rộng thị trường ngành game tại Việt Nam: Tầm nhìn mới cho game Việt hôm 18.3, ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất trên thế giới có nguồn gốc từ Việt Nam. Việt Nam cũng đứng số 1 tại Đông Nam Á về số nhân sự phát triển ngành game với con số 180.000 người. Doanh thu ngành game tại Việt Nam dự báo năm nay lên đến mức 500 triệu USD…".

Nguồn https://laodong.vn/cong-nghe/nganh-game-viet-nam-co-nhieu-co-hoi-de-phat-trien-1172875.ldo