Thứ ba, 16/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ ba, 16/04/2024 Văn bản QPPL

Thứ bảy, 17/07/2021

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (lần 2) - Bài 6: Cụ thể hóa trách nhiệm xử lý vi phạm về nội dung trên các dịch vụ xuyên biên giới

Những quy định mới

Ngày 5/7/2021, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đã được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến (lần 2). Sau thời gian tiếp thu ý kiến đóng góp và chỉnh sửa, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP có  nhiều điểm mới và so với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 đã chi tiết hơn, cụ thể hơn ....

Ban biên tập sẽ lần lượt giới thiệu những điểm mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi lần này đến bạn đọc. 

Bài 6: 

Cụ thể hóa trách nhiệm xử lý vi phạm về nội dung trên các dịch vụ xuyên biên giới   

Dự thảo Nghị định trước hết khẳng định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp ngăn chặn trong các trường hợp các dịch vụ xuyên biên giới: Cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; Không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Dịch vụ xuyên biên giới có số lượng người tại Việt Nam truy cập thường xuyên từ 100 nghìn người/tháng trở lên phải thông báo hoạt động với Bộ TT&TT

Theo dự thảo Nghị định sửa đối, bổ sung, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới có thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam hoặc có số lượng người tại Việt Nam truy cập thường xuyên (UV- Unique Visitor) trong 01 (một) tháng từ 100.000 (một trăm nghìn) người trở lên, có nghĩa vụ:  

- Thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý thông tin vi phạm theo quy trình; 

- Có quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24h khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. 

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới cũng phải tuân thủ các quy định chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam như: Mạng xã hội, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, Kho ứng dụng, …

Bổ sung thêm trách nhiệm của các mạng xã hội xuyên biên giới

So với các quy định đang có tại Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới,  dự thảo Nghị định lần này bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của các mạng xã hội xuyên biên giới. Ví dụ:  

- Các nhà dịch vụ xuyên biên giới phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận/giải quyết khiếu nại từ người sử dụng. Phải tạm khóa/xóa các nội dung (trong vòng 24h) khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu. 

- Tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát các tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Việt Nam; 

- Phải yêu cầu các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông. 

- Các  mạng xuyên biên giới chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được cung cấp dịch vụ livestream và các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Cụ thể hóa trách nhiệm xử lý vi phạm về nội dung trên các dịch vụ xuyên biên giới   

Về biện pháp xử lý đối với các nội dung vi phạm trên các dịch vụ xuyên biên giới, dự thảo Nghị định mới quy định rõ trách nhiệm của từng bên trong hoạt động này.

Đối với nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới:  

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ vi phạm chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Đối với video phát trực tuyến (livestream), các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm chậm nhất là 03 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật (trong 01 tháng có ít nhất 05 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật bị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ), các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc tạm khóa hoạt động đối với các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung này chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian tạm khóa từ 07 ngày đến không quá 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ vi phạm. 

Đối với các ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ ứng dụng này khỏi kho ứng dụng do mình quản lý, phân phối, chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với người sử dụng dịch vụ xuyên biên giới : 

Chủ tài khoản, chủ trang cộng đồng, chủ kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng); có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình chậm nhất là 03 giờ kể khi có yêu cầu từ người sử dụng hoặc cơ quan quản lý.

Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam cũng “có trách nhiệm thực hiện biện pháp ngăn chặn các nôi dung vi phạm pháp luật Việt Nam khi tự phát hiện hoặc theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian 03 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu”.

 

BBT