Thứ năm, 25/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 25/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ tư, 12/10/2022

Xây dựng cẩm nang tin giả giúp người dân tự trang bị kiến thức phòng chống tin giả, tin sai sự thật

Nhằm đánh giá và tìm giải pháp khắc phục tình trạng tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng tại Việt Nam, ngày 7/10/2022, tại Hải Phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) đã tổ chức “Hội thảo xây dựng cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”, đây cũng là một hoạt động nằm trong Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam 2020-2024” với sự đồng hành xuyên suốt của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).

Toàn cảnh Hội Thảo

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên trách về quản lý thông tin trên mạng của Bộ, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử và đại diện các cơ quan báo chí lớn ở trung ương và địa phương.

“Hội thảo xây dựng cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận về tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng tại nước ta và các biện pháp để ngăn chặn tình trạng này; là dịp để các đơn vị quản lý tại địa phương, các cơ quan báo chí chia sẻ những kinh nghiệm công tác đấu tranh, phản bác tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng mong muốn thông qua hội thảo nhận được các ý kiến đóng góp xây dựng và hoàn thiện để “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” có tính ứng dụng cao, dễ dàng tiếp cận với người sử dụng.

Thực trạng tin giả tại Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, các diễn giả đều chung nhận định với cơ quan quản lý nhà nước: “Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, những năm gần đây,  xu hướng người dân đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đại diện Cục PTTH&TTĐT phát biểu tại hội thảo

Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, vấn nạn tin giả có dấu hiệu gia tăng. Vấn nạn này không những làm nhiễu loạn thông tin và ảnh hưởng xấu trong cộng đồng xã hội, mà còn gây hoang mang cho cộng đồng, nhất là những thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19. Nguy hiểm hơn là âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đã lợi dụng mạng xã hội để tạo tin giả và phát tán tin giả để bôi nhọ, vu khống nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta nhằm gây mất đoàn kết nội bộ, gây khủng hoảng niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường”.

Người dân cần được trang bị kiến thức để tự sàng lọc và nhận biết tin giả

Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng dần được hoàn thiện, nhưng tin giả trên không gian mạng vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, người dân cũng cần tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp nhằm hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả.

Đây là cơ sở để ngày 08/04/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch xây dựng Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng được xây dựng nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật lan tràn trên không gian mạng hiện nay.

Tham luận tại Hội thảo, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Việc xây dựng cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết. Hội thảo có nhiều tham luận thú vị, cung cấp tư liệu từ lý thuyết đến thực tiễn rất kỹ lưỡng, đa chiều”.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta phải chống tin giả bằng sức mạnh của sự thật có kiểm chứng của báo chí” đồng thời ông cũng đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử bổ sung trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, các cơ quan báo chí, quy định rõ trách nhiệm của các nhà quảng cáo và phát hành quảng cáo vào Cẩm nang Phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường quản lý các mạng xã hội, yêu cầu 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, Tik Tok, Apple xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC, trực thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử) đã tiếp nhận và xử lý 4.363 tin phản ánh; thẩm định, gắn nhãn và công bố 50 tin giả; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ trên 3.120 tin, bài có nội dung xấu, độc. 

Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã thiết lập được hơn 100 đầu mối thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương để tăng cường phối hợp xử lý tin giả, tin sai sự thật trên mạng.

 

BBT