Thứ năm, 18/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 18/04/2024 Hỏi đáp

Thứ ba, 22/09/2015

Chấn chỉnh tình trạng phát sóng hình ảnh không phù hợp thuần phong mỹ tục

Câu hỏi:

Cử tri phản ánh các kênh truyền hình của nước ta hiện nay phát nhiều hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Đề nghị tăng cường quản lý, chấn chỉnh tình trạng này.

Trả lời:

 Những năm qua, hệ thống phát thanh, truyền hình trong toàn quốc có sự phát triển nhanh cả về số lượng lẫn nội dung, chất lượng chương trình. Hiện nay, cả nước có 66 Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương và địa phương; các đài phát thanh - truyền hình đã cho ra đời nhiều kênh chương trình mới, đưa số lượng các kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá tại Việt Nam lên 182 kênh với 105 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh quảng bá. Ngoài hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta phát triển rất mạnh trong những năm qua bằng nhiều loại công nghệ truyền dẫn như cáp, vệ tinh, số mặt đất, IPTV với 75 kênh chương trình truyền hình trả tiền. Tổng số kênh truyền hình nước ngoài đã được cấp phép biên tập để phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền của Việt Nam hiện nay là 40 kênh.

Các kênh phát thanh, kênh truyền hình thực sự là phương tiện thông tin tuyên truyền nhanh, nhạy của Đảng và Nhà nước, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương tích cực tuyên truyền, phản ánh nhiều chiều, phong phú, đa dạng mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời cũng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí của người dân.

Tuy nhiên, qua theo dõi và phản ánh của cử tri, vẫn còn tình trạng một số Đài Phát thanh - Truyền hình khai thác phim nước ngoài, phát sóng, thực hiện chương trình truyền hình thực tế, ca nhạc có hình ảnh, trang phục, nội dung chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt Nam;...

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, phát thanh, truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang thực hiện các giải pháp sau để chấn chỉnh về vấn đề này. Cụ thể:

1. Đề nghị các Đài Phát thanh – Truyền hình thực hiện theo đúng quy định của Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí Luật Báo chí, Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Tiếp tục chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin cho các Đài Phát thanh - Truyền hình nhằm nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình.

3. Tăng cường tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên các Đài Phát thanh - Truyền hình, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị.

4. Kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng chính sách theo hướng tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu để nâng cao chất lượng nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình. Đối với các kênh chương trình còn lại tự cân đối kinh phí để thực hiện.

5. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng phim Việt Nam như cơ chế, chính sách về giá để có giá hợp lý đối với phim Việt Nam trên truyền hình, cơ chế kiểm soát tốt phim nhập khẩu vào Việt Nam...

6. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường định hướng trong các cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tuần; có văn bản nhắc nhở kịp thời các Đài Phát thanh, truyền hình khi phát sóng những chương trình có nhiều hình ảnh, trang phục, nội dung chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắc nhở Đài Truyền hình Việt Nam trong việc phát sóng chương trình truyền hình thực tế “Người giấu mặt” có hình ảnh phản cảm; bộ phim truyện “Niềm yêu thích Kirina trên kênh Bibi có nội dung, hình ảnh, lời thoại phản cảm, không phù hợp với tôn chỉ mục đích của kênh; chương trình “Cuộc đua kỳ thú 2014” có một số hình ảnh, lời thoại phản cảm; đã xử phạt Đài Truyền hình Việt Nam trong việc phát sóng chương trình truyền hình thực tế “Nhân tố bí ẩn” có tiết mục sử dụng chiếc khăn Piêu - biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, không đúng và không phù hợp).

  7. Nếu phát hiện có sai phạm liên quan đến công tác quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý trong thẩm quyền của mình theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.